Cổ tức toàn cầu đạt kỷ lục dù kinh tế chậm lại
Nền kinh tế toàn cầu có thể đang chậm lại, nhưng cổ tức do các công ty đa quốc gia chi trả thì không. Đây là kết quả nghiên cứu của công ty quản lý tài sản Janus Henderson (Anh), vừa được công bố hôm 24/5. Cụ thể, tổng số tiền cổ tức mà các công ty chi trả trên toàn cầu trong quý I/2023 đạt kỷ lục 326,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2022.
Tăng trưởng mạnh mẽ này là nhờ năm 2022 kinh doanh thuận lợi với nhiều tập đoàn, chẳng hạn như ngành ngân hàng được lợi từ tăng lãi suất, cùng với các công ty dầu khí. Tuy nhiên, Janus Henderson cho biết một phần cũng nhờ quy mô 28,8 tỷ USD của các đợt chi trả cổ tức đặc biệt, mức cao nhất trong một quý kể từ năm 2014.
Ví dụ trong số đó có thể kể đến 11,7 tỷ USD cổ tức chi trả bởi gã khổng lồ vận chuyển Maersk sau một năm lợi nhuận phi thường. Số tiền này giúp tập đoàn Đan Mạch dẫn đầu trong những công ty trả cổ tức hàng đầu thế giới, vượt qua gã khổng lồ khai thác mỏ BHP (Anh) và Công ty dược phẩm Novartis (Thụy Sĩ).
Một ví dụ khác là khoản chi trả 6,3 tỷ USD của Volkswagen sau đợt IPO của Porsche. Những khoản cổ tức đặc biệt này đủ nhiều để bù đắp cho cổ tức suy giảm 20% của các gã khổng lồ khai thác mỏ. Giá kim loại giảm và sự phục hồi không đồng đều ở Trung Quốc đã trở thành lực cản với lợi nhuận.
BHP và Rio Tinto đều cắt giảm cổ tức vào đầu năm nay. Ở các ngành khác, công ty đồ thể thao Adidas AG đã giảm cổ tức. Công ty bất động sản Thụy Điển SBB thậm chí dừng chia cổ tức, báo hiệu tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực này.
Trong quý I, châu Âu chứng kiến mức tăng trưởng cổ tức 36% so với cùng kỳ 2022, gấp hơn bốn lần mức tăng trưởng ở Bắc Mỹ (8,6%) và hơn gấp đôi mức tăng trưởng ở Nhật Bản (17,7%). Châu Âu cũng là nơi có 96% các khoản thanh toán cổ tức tăng hoặc giữ ổn định trong ba tháng đầu năm.
Tuy nhiên, Janus Henderson dự báo tăng trưởng cổ tức thời gian tới sẽ chậm lại. Nguy cơ suy thoái đang gia tăng ở châu Âu và Mỹ, khi chiến dịch tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương dường như đi đến đỉnh. Các công ty có bảng cân đối kế toán vững chắc, lợi nhuận tăng trưởng và tiềm năng mở rộng được ưa chuộng.
Ngược lại, không chắc liệu một số công ty từng hào phóng chi cổ tức có thể duy trì được khả năng đó trong thời kỳ khó khăn hơn không. Đơn cử, những bất ổn ngân hàng gần đây cũng khiến nhà đầu tư cảnh giác với nhóm ngành tài chính.
Luke Barrs, Giám đốc điều hành Goldman Sachs Asset Management, cho biết mối quan tâm hiện tại là khả năng tăng trưởng bền vững ra sao với những doanh nghiệp đang trả cổ tức cao. Theo ông, dù cổ tức là một tài sản rất có giá trị, nhưng cách duy nhất để các công ty duy trì điều đó theo thời gian là tiếp tục tăng thu nhập cơ bản trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, lạm phát, chi phí tài chính cao hơn và điều kiện kinh tế suy yếu ở một số nơi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của cổ đông, chứ không chỉ riêng cổ tức. “Sau hai năm, gần như tất cả những lợi ích dễ dàng đạt được từ sự phục hồi sau đại dịch đã được hiện thực hóa”, Ben Lofthouse, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Janus Henderson, đánh giá.
Dù vậy, động lực của quý đầu tiên và quy mô của khoản cổ tức đặc biệt đã khiến Janus Henderson nâng cao dự báo cho cả năm. Hiện dự kiến tổng cổ tức cho năm 2023 là 1.640 tỷ USD, tăng 5,2% so với 2022.
Tương tự phong độ trong quý I, châu Âu được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng chi trả cổ tức trong quý II. Theo dự báo của Bloomberg, các công ty châu Âu đang trên đà đạt được mức chi trả cổ tức hàng năm lớn nhất từ trước đến nay. Các công ty trong Stoxx Europe 600 dự kiến sẽ cho trả lên tới 400 tỷ euro (432 tỷ USD) cổ tức vào năm 2023.
Phiên An (theo Le Monde, Bloomberg)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/co-tuc-toan-cau-dat-ky-luc-du-kinh-te-cham-lai-4609205.html