Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Cổ phiếu nào để lại nhiều tâm tư nhất năm 2022?

Cổ phiếu nào để lại nhiều tâm tư nhất năm 2022?

HPG của Hòa Phát được độc giả VnExpress bình chọn là cổ phiếu vừa giúp họ lãi nhất, nhưng cũng khiến nhiều người thua lỗ nhất và để lại nhiều tiếc nuối nhất.

Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một năm 2022 nhiều biến động. VN-Index giảm 32,78% từ vùng giá gần 1.500 điểm xuống 1.007 điểm. Vốn hoá thị trường mất hơn 31% từ 5,83 triệu tỷ xuống 4,02 triệu tỷ đồng, đứt chuỗi tăng về quy mô kéo dài từ năm 2011.

Trong tuần cuối cùng của năm 2022, VnExpress đã thực hiện một cuộc khảo sát tìm ra những cổ phiếu tác động nhiều nhất tới các nhà đầu tư cá nhân. Sau 5 ngày, gần 2.000 nhà đầu tư đã tham gia.

Những cổ phiếu của năm 2022, theo bình chọn của độc giả VnExpress. Đồ họa: Tiến Thành

Đồ họa: Tiến Thành

Khác với năm trước khi kết quả của ba hạng mục là ba cái tên khác nhau, năm nay, duy nhất HPG đứng đầu bảng khi vừa là cổ phiếu giúp nhà đầu tư lãi nhất, vừa khiến nhiều người thua lỗ nhất và cũng để lại nhiều nuối tiếc nhất.

Được chọn là mã giúp lãi nhất bởi HPG ít nhất cũng có ba nhịp tăng trong năm qua, đặc biệt là nhịp bật lên hơn 60% chỉ trong tháng cuối cùng của năm. Tuy vậy, với những người chỉ mua mà không bán ra cổ phiếu của “vua thép”, nếu tính trong 11 tháng, họ đã có lúc chia ba tài khoản, lỗ gần 70%.

Tiếc nuối là cảm xúc với những người đã bỏ lỡ con sóng phục hồi, nhưng tiếc nuối cũng có thể là những nhà đầu tư đã không kịp chốt lời trước khi thị trường đảo chiều.

HPG khởi đầu năm 2022 ở vùng giá 36.000 đồng (giá sau điều chỉnh). Nhịp tăng đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 2, HPG bật lên hơn 30%, từ vùng 31.000 lên 40.000 đồng, khi ngành thép thế giới chao đảo vì chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nỗi lo về khả năng gián đoạn nguồn cung từ hai nhà sản xuất lớn khiến doanh nghiệp đứng đầu như HPG được chú ý.

Tuy nhiên, triển vọng kém tích cực của ngành, cùng diễn biến giảm của thị trường chung đã kéo HPG lao dốc trở lại. Thị giá HPG chia đôi chỉ sau ba tháng, từ mức đỉnh 40.000 đồng đầu tháng 3 xuống còn trên dưới 20.000 đồng vào nửa cuối tháng 6. Nếu bỏ lỡ cơ hội chốt lời và tiếp tục “đặt cược” vào “vua thép”, nhà đầu tư có thể đã bị lỗ ngược.

Cuối tháng 7, HPG hồi một nhịp ngắn gần 17%, cùng với đà tăng của thị trường chung, trước khi đổ dốc không phanh. Chỉ trong hai tháng, đến giữa tháng 11, cổ phiếu này có lúc rơi về vùng giá 12.000 đồng, chỉ bằng 1/3 so với đầu năm.

Khi cổ phiếu “vua thép” giảm sâu, nhiều nhà đầu tư bi quan về khả năng mã này tiếp tục giảm về dưới mệnh giá. Tâm lý thận trọng khiến nhiều người chọn đứng ngoài quan sát và chờ đợi. Dù vậy, trong nhịp phục hồi của thị trường nửa cuối tháng 11 và tháng 12, HPG đã trở thành hiện tượng khi bật mạnh hơn 60%, có lúc vượt 20.000 đồng.

Ngoài HPG, CEO, AAA và FLC cũng để lại nhiều tâm tư nhất với nhà đầu tư. Trong đó, cổ phiếu FLC đã bị đình chỉ giao dịch từ tháng 9 nhưng đứng thứ ba về mã được chọn là cổ phiếu khiến nhà đầu tư lỗ nhất năm qua.

Năm 2021, những cổ phiếu giúp nhà đầu tư lãi nhất chủ yếu là nhóm chứng khoán và bất động sản, thuộc phân khúc vốn hóa trung bình và thấp. Nhưng năm nay, vị thế dẫn đầu thuộc về những bluechip. 5 trong số 10 cổ phiếu giúp nhà đầu tư lãi nhất năm nay, theo bình chọn, thuộc rổ VN30 gồm HPG, FPT, VNM, MBB và STB.

FPT là mã duy nhất trong nhóm này tăng giá so với đầu năm. Trong khi đó, VNM là mã có diễn biến ngược chiều nhất so với thị trường chung. Trong nhịp giảm của VN-Index đầu quý IV, VNM ngược dòng tăng gần 24%, trở thành cổ phiếu có hiệu suất trong nhóm tốt nhất thị trường.

Trong số gần 2.000 nhà đầu tư tham gia khảo sát năm nay, chỉ duy nhất một người chọn TNC – cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất trên HoSE – là mã giúp họ kiếm tiền nhiều nhất. Cổ phiếu của Công ty Cao su Thống Nhất đã tăng 95%, từ 35.000 đồng hồi đầu năm lên 68.400 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu khiến nhà đầu tư lỗ nhiều nhất, những cái tên được nhắc tới, như HPG, FLC hay DIG đều là những mã từng giúp nhà đầu tư lãi nhất năm trước. DIG, cổ phiếu được bình chọn giúp nhà đầu tư lãi nhất năm 2021, năm nay đứng vị trí thứ 5 cổ phiếu khiến họ lỗ nhất, với mức giảm hơn 80%.

Đồ họa: Tiến Thành

Đồ họa: Tiến Thành

5 cổ phiếu đứng đầu danh sách này gồm HPG, NVL, FLC, AAA và DIG đều giảm gần phân nửa trở lên. Trong đó, NVL giảm mạnh nhất với 84% thị giá bốc hơi.

Tương đồng nhất so với năm trước là hạng mục “cổ phiếu khiến nhà đầu tư tiếc nuối nhất”. Hầu hết các mã nhóm này là các cổ phiếu vốn hoá nhỏ như CEO, AAA, L14, FLC, HAG. 6 trong số 10 cổ phiếu khiến nhà đầu tư tiếc nuối nhất cũng được chọn là những mã giúp kiếm tiền nhiều nhất gồm HPG, AAA, VND, STB, FLC và HAG.

2022 là một năm sóng gió của thị trường chứng khoán. Nối tiếp một năm 2021 thăng hoa, báo cáo chiến lược hồi đầu năm nay của đa số các công ty chứng khoán đều tích cực. VN-Index được dự báo tăng 10-15%, đạt khoảng 1.650-1.700 điểm vào cuối năm, dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và mức độ phục hồi của nền kinh tế.

Nhưng 2022 đã không diễn ra như những gì nhà đầu tư và cả giới phân tích kỳ vọng, khi thị trường bị ảnh hưởng từ hàng loạt sự kiện “thiên nga đen”, biến động trên thị trường quốc tế cho tới trong nước.

Tuần đầu tiên của năm, thông tin bán chui cổ phiếu của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khiến thị trường rúng động. Lượng cổ phiếu FLC giá trị gần 1.700 tỷ đồng được bán ra trong một phiên giao dịch, nhưng không được thông báo trước. Niềm tin bị ảnh hưởng, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu đầu cơ, bất động sản khiến nhiều mã giảm sàn liên tục. VN-Index tụt gần 7%, từ 1.530 điểm xuống vùng 1.425 điểm chỉ sau vài phiên.

Thị trường phục hồi lại ngay sau đó nhưng không duy trì xu hướng tích cực được lâu. Căng thẳng Nga – Ukraine chuyển hướng thành chiến dịch quân sự từ cuối tháng 2. Trong nước, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Thành Nhân – người đứng đầu loạt doanh nghiệp “họ Louis”, bị khởi tố với cùng tội danh thao túng chứng khoán. Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt do sai phạm về phát hành trái phiếu.

VN-Index đổ dốc không phanh với những phiên giảm hàng chục điểm. Tình trạng lau sàn, “trắng bảng bên mua” diễn ra liên tục với nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là nhóm bất động sản và đầu cơ.

Chỉ sau hơn một tháng, đến giữa tháng 5, VN-Index giảm hơn 20%, từ vùng 1.500 điểm xuống dưới 1.200 điểm. Nhiều mã bất động sản, đầu cơ mất 50-70% thị giá. Thị trường có nhịp hồi lại vào đầu tháng 6, nhưng VN-Index quay đầu giảm mạnh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh nhất gần 30 năm – mở đầu cho một xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.

Sức ép từ sự xoay trục chính sách, tỷ giá bắt đầu tăng nhanh khiến Ngân hàng Nhà nước phải hành động. Cuối tháng 9, lần đầu tiên sau 2 năm, Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành.

Thị trường đối mặt với nhiều thông tin tiêu cực khác, từ tình hình thanh khoản khó khăn của nhiều doanh nghiệp bất động sản, tỷ giá tăng nhanh, cho tới ảnh hưởng tâm lý từ việc khởi tố Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan. Chỉ số của sàn HoSE rơi thẳng đứng về dưới 900 điểm, mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Thị trường có nhịp phục hồi trong tháng cuối năm. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, cùng hiệu ứng “nghỉ Tết” khiến thanh khoản giảm sâu. Chốt năm, VN-Index dừng ở sát ngưỡng 1.000 điểm, giảm gần 33%.

Minh Sơn – Phương Đông

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/co-phieu-nao-de-lai-nhieu-tam-tu-nhat-nam-2022-4555472.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện