“Ứng dụng công nghệ để hỗ trợ chuyển đổi số cho cá nhân và các đơn vị kinh doanh” là câu chuyện được đại diện Grab Việt Nam trình bày tại Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghệ 4.0, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các chuyên gia trong nước và quốc tế, ngày 14/6 tại Hà Nội.
Bài tham luận nằm trong phiên hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, tập trung thảo luận các giải pháp số tạo ra các đột phá, tăng trải nghiệm cho khách hàng trong ngành tài chính, giao thông, logistics…
Nói về hành trình đổi mới của Grab, ông Alejandro Osorio chia sẻ: “Đó là hành trình liên tục mang đến những giá trị cho người dùng thông qua những giải pháp mới, không ngừng phát hiện những thách thức mà thị trường, người dùng đang gặp phải và tìm ra giải pháp”.
Quá trình đổi mới mà doanh nghiệp này tạo ra bắt đầu từ năm 2014, với mục tiêu cung cấp một dịch vụ di chuyển an toàn, chất lượng cho người dùng. Grab là một trong số doanh nghiệp tiên phong đem đến cho các tài xế taxi cơ hội tăng thu nhập với dịch vụ GrabTaxi, nhờ đó các tài xế taxi có thể tiếp cận và phục vụ nhiều hành khách hơn theo cách thức hiệu quả và linh hoạt hơn.
Trong suốt quá trình đó, Grab đem đến nhiều trải nghiệm lần đầu với các tài xế, như sử dụng điện thoại thông minh, mở tài khoản ngân hàng…, những lần đầu tiên mang đến làn gió mới cho ngành vận chuyển.
Qua thời gian, Grab tiếp tục phát triển các dịch vụ với GrabBike, GrabCar, mở ra cơ hội mới để tăng thu nhập cho cộng đồng tài xế và xe ôm truyền thống, cùng thêm nhiều lần đầu tiên khác.
Không chỉ giúp đối tác tài xế cải thiện thu nhập, Grab còn hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua hợp tác sâu rộng với các đối tác tài chính lớn, giúp các đối tác tiếp cận vốn vay và các dịch vụ tài chính hợp pháp, an toàn.
Theo thống kê của Grab, 24,4% trong số các đối tác tài xế đang hoạt động trên nền tảng này đang nhận được khoản vay từ ngân hàng, cùng hơn 5 nghìn gói bảo hiểm còn hiệu lực được công ty phân phối cho đối tác tài xế.
Với GrabExpress, Grab có thêm lựa chọn mới đối với lĩnh vực giao hàng cho các cá nhân, đơn vị kinh doanh trực tuyến, giải bài toán giao nhận – được coi là chìa khoá thúc đẩy tăng trưởng đối với thương mại điện tử của Việt Nam. Đồng thời, đối tác tài xế cũng có thêm thu nhập nhờ dịch vụ mới này.
Tiếp tục mở rộng cơ hội thêm nguồn doanh thu mới cho đối tác thương nhân, dịch vụ GrabFood và GrabMart giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động cho đối tác tài xế, khi họ có thể tận dụng thời gian để giao thêm nhu yếu phẩm và giao đồ ăn. Đồng thời, hai dịch vụ này cũng hỗ trợ chuyển đổi số cho các tiểu thương, hộ kinh doanh truyền thống và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam.
“Với GrabFood và GrabMart, Grab một lần nữa mở ra cánh cửa mới cho lĩnh vực thương mại điện tử. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp F&B trong giai đoạn giãn cách xã hội vẫn có thể vận hành và không bị đứt gãy nguồn doanh thu. Những tiệm tạp hoá, hàng quán, cửa hàng nhỏ lên nền tảng số nhanh hơn, có thêm giải pháp thúc đẩy doanh số”, CEO Grab Việt Nam nói.
Cũng từ quá trình triển khai GrabMart, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Grab nhận thấy những cơ hội mới trong việc hợp tác với người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp khi hiểu những thách thức trong khâu tiêu thụ nông sản. Tận dụng sức mạnh hệ sinh thái, Grab đã nhanh chóng kết nối, đưa các nhà vườn và hợp tác xã nông nghiệp cung cấp những nông sản tươi ngon lên GrabMart, đồng thời giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận những mặt hàng nông sản chất lượng trên nền tảng.
Theo thống kê của Grab, 146 tấn trái cây chất lượng đã được bán ra trong tháng 5/2023 trên GrabMart. Trước đó, trong năm 2022, đã có hơn hơn 800 hợp tác xã nông nghiệp được Grab và đối tác tổ chức tập huấn, trau dồi kiến thức kỹ thuật số.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là tính đổi mới. Grab có mặt ở đây với những câu chuyện thành công có được từ nhiều thử nghiệm và cả thất bại để liên tục học hỏi và đổi mới. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là phát triển kinh doanh, mà là thông qua những dịch vụ, quan hệ đối tác…, Grab có thể mang đến thêm nhiều giá trị hơn cho người dùng và đối tác của mình”.
“Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng trên thị trường, còn nhiều giá trị mà nền tảng công nghệ của Grab có thể mang đến cho các đối tác và người dùng để hướng tới phát triển nền kinh tế số”, ông Alejandro Osorio nhấn mạnh.
Đại diện Grab cũng mong muốn đem những kinh nghiệm, kiến thức từ tập đoàn và từ các thị trường khác nhau của Grab để chia sẻ và đóng góp cho các chính sách, quy định liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó hỗ trợ cơ quan chức năng có những điều chỉnh thường xuyên, kịp thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Diễn đàn cấp cao thường niên và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2023 diễn ra từ 14/6, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các chuyên gia trong nước và quốc tế, thảo luận về những giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước…
Diễn đàn gồm 4 phiên hội thảo chuyên đề về sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghiệp, chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, tài chính xanh và giáo dục xanh…, bên cạnh đó là Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0.
Phong Vân
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/chuyen-doi-so-mo-ra-nhieu-co-hoi-moi-4618093.html