Chủ tịch HĐQT Eximbank bị đề nghị miễn nhiệm sau 2 ngày được bầu
Hôm nay, ông Trần Hoàng Ninh, đại diện một nhóm cổ đông gửi tới Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) đề nghị rút đề cử, miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương, tân Chủ tịch Eximbank. Trước đó, bà Phương do nhóm cổ đông này đề cử tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Ninh cho biết sau khi được đề cử, bà Đỗ Hà Phương có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm của cổ đông để trục lợi cá nhân. Trong văn bản, nhóm này cho rằng bà Phương đã tự ý mời họp HĐQT, bỏ phiếu biểu quyết bầu HĐQT, miễn nhiệm chủ tịch và các phiếu biểu quyết khác vào ngày 28/6 mà không có sự đồng ý của nhóm cổ đông.
Do đó, nhóm này đã thống nhất thông báo với HĐQT, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc Eximbank việc chấm dứt các ủy quyền, đề cử và đề nghị rút bà Đỗ Hà Phương khỏi Hội đồng quản trị nhà băng.
Xác nhận với VnExpress lúc 18h ngày 30/6, bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng quản trị Eximbank, người đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT trước khi bà Hà Phương được bầu, cho biết đã nhận được văn bản của nhóm cổ đông này.
Trong khi đó, tại thông cáo báo chí phát ra tối 30/6, Eximbank cho biết đến trưa 30/6, chưa nhận được đơn của ông Trần Hoàng Ninh về việc chấm dứt các uỷ quyền, đề cử và đề nghị rút bà Phương ra khỏi HĐQT. Ngoài ra, trong danh sách nhóm cổ đông đề cử bà Phương vào HĐQT trước đó không có tên ông Trần Hoàng Ninh.
Eximbank cũng khẳng định trình tự, thủ tục tổ chức họp để miễn nhiệm chức Chủ tịch đối với bà Tú và bầu bà Phương đều tuân thủ quy định pháp luật và điều lệ ngân hàng.
Cũng trong hôm nay, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã đề nghị Trưởng ban kiểm soát Eximbank làm rõ các nội dung liên quan đến việc triệu tập họp HĐQT ngày 1/6 và các thủ tục thay đổi nhân sự theo thông báo ngày 28/6. Thời hạn báo cáo các nội dung trên là ngày 3/7.
Bà Đỗ Hà Phương sinh năm 1984, có kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Bà được bầu vào HĐQT Eximbank từ đầu năm 2022 và giữ vị trí chủ tịch cách đây hai ngày, thay bà Lương Thị Cẩm Tú. Trong thông cáo phát đi khi đó, Eximbank cho biết “Hội đồng quản trị ngân hàng đã tổ chức họp theo đúng quy định”.
Đầu năm nay, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua đơn từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT, đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên mới nhiệm kỳ VII (2022-2025).
Ba nhân sự mới mà Eximbank muốn đưa vào HĐQT gồm bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng. Tuy nhiên, phiên họp này bất thành do không đủ số cổ đông tham dự.
Đến tháng 2, phiên họp bất thường được tổ chức lần hai và tờ trình bổ sung các thành viên này mới được thông qua. Giữa tháng 4, thêm hai thành viên nộp đơn từ nhiệm được thông qua. Hiện tại, HĐQT công ty còn 5 thành viên, trong đó 1 thành viên độc lập.
Khoảng 4 năm trở lại đây, ghế chủ tịch Eximbank thường xuyên đổi chủ. Lần gần nhất ngân hàng này thay chủ tịch là tháng 2/2022 khi bà Lương Thị Cẩm Tú lần thứ hai ngồi vào ghế nóng. Trước đó, vị trí này được chuyển qua lại từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh cho tới ông Yasuhiro Saitoh – đại diện của SMBC – do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông.
Hầu hết những lần thay đổi này không lâu sau đều dẫn đến xung đột giữa các nhóm cổ đông. Cuối tháng 3/2019, ông Lê Minh Quốc – người bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT – cho rằng cuộc họp để đưa ra quyết định này cùng với nghị quyết bầu chủ tịch mới trái quy định nên gửi đơn xin Ngân hàng Nhà nước can thiệp “khẩn cấp và triệt để”.
Giữa tháng 5/2019, ông Quốc bất ngờ gửi đơn từ nhiệm. Một ngày sau, Eximbank cũng thông báo chấm dứt hiệu lực các nghị quyết bãi nhiệm và bầu thay thế chủ tịch trước đó hai tháng. Ông Cao Xuân Ninh sau đó được bầu làm chủ tịch mới. Tuy nhiên, xung đột tiếp tục xảy ra khi nhóm cổ đông SMBC cho rằng mâu thuẫn nhân sự cấp cao cho thấy cổ đông không tin tưởng vào ông Ninh nên đề nghị bầu lại, còn ông Ninh khẳng định chức chủ tịch của mình hợp pháp.
Minh Sơn
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/chu-tich-hdqt-eximbank-bi-de-nghi-mien-nhiem-sau-2-ngay-duoc-bau-4623848.html