Bộ Công Thương: Sửa luật để giá điện sát thị trường hơn
Quan điểm này được Bộ Công Thương nêu tại tờ trình Chính phủ về sửa đổi Luật Điện lực. Đây là lần đầu luật này được đề nghị sửa sau gần 20 năm thi hành, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển ngành điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Năm nhóm chính sách được Bộ này đề nghị sửa gồm quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; các quy định về điều kiện hoạt động và việc cấp, thu hồi giấy phép điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường cạnh tranh minh bạch, giá theo cơ chế thị trường. Luật sửa đổi cũng sẽ bổ sung quy định về quản lý vận hành hệ thống, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.
Liên quan tới giá điện theo cơ chế thị trường, Bộ Công Thương cho biết chính sách đã được nêu tại luật hiện hành và thực hiện theo quyết định của Thủ tướng (hiện là Quyết định 24/2017). Nhưng thực tế việc điều chỉnh giá vẫn còn những tồn tại khi chịu nhiều sức ép từ dư luận, phải đánh giá tổng thể ở nhiều khía cạnh do mỗi lần thay đổi có thể ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.
Chẳng hạn, cơ chế điều chỉnh giá thực hiện theo Quyết định 24/2017 nhưng quá trình thực thi không diễn ra định kỳ hay theo quyết định này. Từ 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần, vào 2017 (tăng 6,08%), 2019 là 8,36% và tháng 5/2023 thêm 3%. Trong khi, theo Quyết định 24, giá bán lẻ bình quân được xem xét điều chỉnh 6 tháng một lần trên cơ sở tính đúng, đủ các chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh của ngành điện.
Số liệu của EVN cho thấy, năm 2022, tập đoàn này ghi nhận lỗ từ sản xuất, kinh doanh điện là hơn 36.200 tỷ đồng, tức mỗi kWh điện bán cho khách hàng năm ngoái, tập đoàn này lỗ hơn 149,5 đồng. Nhờ có thu nhập từ các hoạt động khác, tiết giảm chi phí (khoảng 10.000 tỷ đồng), số lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN hơn 26.200 tỷ đồng.
Như vậy, các chuyên gia cho rằng EVN không có khả năng tái đầu tư mở rộng hệ thống, thanh toán cho các đơn vị bán điện, dẫn tới nguy cơ an ninh trong cung cấp điện không được đảm bảo.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần sửa quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng Chính phủ ban hành Nghị định, thay vì quyết định như hiện nay. Trong đó quy định thẩm quyền điều chỉnh theo từng mức gồm Chính phủ và đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN).
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, vừa qua để thu hút đầu tư tư nhân vào khâu phát điện, các dự án theo hình thức IPP, BOT (chủ đầu tư không phải EVN) đã thỏa thuận, đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với tỷ suất sinh lợi tài chính (IRR) phổ biến 10-12%. Mức này cao hơn tỷ suất áp dụng cho các đơn vị phát điện hạch toán phụ thuộc EVN (các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các khâu khác gồm truyền tải điện, phân phối, bán lẻ điện do vẫn thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước) thường là 3% hoặc thấp hơn.
Vì thế, sửa luật lần này sẽ bổ sung quy định về chính sách giá điện để giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền. Cơ quan này cho biết sẽ cùng Bộ Tài chính xây dựng quy định liên quan đến các loại giá điện, “cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện” phù hợp với quy định tại Luật Giá (sửa đổi).
Thị trường điện ở Việt Nam được định hướng mở ra cạnh tranh với khâu phát điện, sau đó là bán buôn và tiến tới thị trường cạnh tranh bán lẻ điện. Ở lần sửa này, Bộ Công Thương cũng đề xuất hoàn thiện quy định về thị trường điện lực, như bổ sung về hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch là một hình thức giao dịch trong thị trường điện lực cạnh tranh; mua bán điện trực tiếp (ưu tiên điện tái tạo) giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện; đối tượng tham gia thị trường
điện cạnh tranh.
Dự thảo cũng nêu vấn đề phân cấp, phân quyền trong giá điện và mua bán điện. Trong đó, giao Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng với giá điện hai thành phần (giá công suất và điện năng); giao Chính phủ quy định chi tiết về mua bán điện với nước ngoài.
Dự kiến dự luật sửa đổi này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (năm 2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (năm 2025).
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/bo-cong-thuong-sua-luat-de-gia-dien-sat-thi-truong-hon-4636889.html