Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Bidenomics – chính sách kinh tế của ông Biden thế nào

Bidenomics – chính sách kinh tế của ông Biden thế nào

Ông Biden chấn hưng công nghiệp để cạnh tranh Trung Quốc nhưng sự can thiệp này có thể khiến kinh tế Mỹ và đồng minh rủi ro, theo WSJ.

Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, thường bận tâm đến các mối đe dọa từ nước ngoài, như xung đột Ukraine. Nhưng vào tháng 4, trong bài phát biểu tại Viện Brookings, ông đề cập đến mối đe dọa từ bên trong, về quan điểm đã ngự trị quá lâu trong giới tinh hoa Washington rằng: “thị trường luôn phân bổ vốn một cách hiệu quả và năng suất”.

Một số người trong giới chính sách gọi quan điểm này là chủ nghĩa tân tự do, tức ưu tiên tự do thương mại, điều đã được lưỡng đảng chấp nhận nhiều thập kỷ. Nhưng Sullivan cho rằng, học thuyết này đã làm các cơ sở công nghiệp Mỹ trống rỗng, tầng lớp trung lưu suy yếu và đất nước dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu, Covid-19 và vũ khí hóa chuỗi cung ứng của các quốc gia thù địch.

Để giải quyết, ông cho rằng Mỹ cần cách tiếp cận mới, một “chiến lược công nghiệp hiện đại”. Theo đó, chính phủ hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghiệp, thương mại để củng cố tầng lớp trung lưu và an ninh quốc gia.

Kể từ cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden đã cố gắng đưa ra một lý thuyết thống nhất cho các chính sách kinh tế của mình. Và những nhận xét gần đây của Sullivan về mục tiêu đối nội lẫn đối ngoại của Nhà Trắng trước Trung Quốc đã khắc họa rõ ràng hơn về cái có thể gọi là “Bidenomics”, với 3 trụ cột. Đi cùng với đó là một số điểm mù và mâu thuẫn trong chính sách kinh tế này, theo WSJ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan trên chuyến tàu đến Kyiv, Ukraine từ Przemsyl, Ba Lan. Ảnh: Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan trên chuyến tàu đến Kyiv, Ukraine từ Przemsyl, Ba Lan. Ảnh: Nhà Trắng

Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng kinh tế quan trọng hơn số lượng. Quan điểm cũ cho rằng “tất cả tăng trưởng đều là tăng trưởng tốt”. Bidenomics không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mà còn xem xét liệu tốc độ tăng trưởng đó có mang lại thu nhập trung bình cao hơn, ít bất bình đẳng hơn và đầu tư trong nước nhiều hơn vào các lĩnh vực quan trọng với an ninh quốc gia hoặc môi trường.

Thứ hai, tự do kinh doanh không còn, thay bằng chính sách công nghiệp. Thị trường phân bổ vốn để đạt được lợi nhuận cao nhất cho các nhà đầu tư tư nhân. Nhưng Bidenomics cho rằng họ không tính đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng mong manh hoặc lỗ hổng địa chính trị. Đó là lý do Đức trở nên phụ thuộc nguy hiểm vào khí đốt của Nga và Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc cung cấp nhiều khoáng chất và thành phần dược phẩm quan trọng.

Để sửa những điều này, Bidenomics đặt mục tiêu hướng vốn tư nhân vào các lĩnh vực được ưu tiên thông qua các quy định, trợ cấp và các biện pháp can thiệp khác. “Ủng hộ chính sách công nghiệp từng bị xem là đáng xấu hổ giờ đây nên được coi là điều gì đó gần như hiển nhiên”, Sullivan và Jennifer Harris viết trong bài luận năm 2020 trên tạp chí Foreign Policy.

Thứ ba, chính sách thương mại nên ưu tiên cho người lao động Mỹ chứ không phải người tiêu dùng. Chủ nghĩa tân tự do giả định rằng việc tăng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cho các công ty Mỹ sẽ thúc đẩy cạnh tranh, giảm chi phí cho người tiêu dùng và cung cấp việc làm tốt hơn cho người lao động. Nhưng Sullivan cho rằng nó mang lại hiệu quả cho các công ty nhiều hơn là người lao động.

Ngược lại, dưới thời Bidenomics, chính sách đối ngoại của Mỹ là bảo vệ một loạt lợi ích kinh tế, từ quyền của người lao động đến chính sách khí hậu, và tuân thủ thuế. Người tiêu dùng và cạnh tranh không phải là mối quan tâm chính.

Jake Sullivan, 46 tuổi, có bề dày kinh nghiệm trong giới hoạch định chính sách của đảng Dân chủ. Ông đã cố vấn cho cả Ngoại trưởng Hillary Clinton và Phó tổng thống Biden trong chính quyền Obama. Ông đã dành một số năm để cố gắng tìm hiểu xem đảng Dân chủ đã xa rời tầng lớp lao động thế nào. Ông viết vào năm 2018 trên tờ Democracy rằng cuộc suy thoái 2007-2009 đã cho thấy chính phủ “thất bại trong việc bảo vệ công dân” trước thương mại tự do quá đà.

Ông chỉ trích gay gắt thương mại tự do, cho rằng lưỡng đảng đều đã chấp nhận mà không quan tâm đến tầng lớp lao động hay sự vi phạm quy tắc của Trung Quốc. Theo suy nghĩ của ông, khuôn mẫu kinh tế rõ ràng để cạnh tranh với nước này chính là cách Mỹ dùng để đối đầu với Liên Xô.

Hậu Thế chiến II, đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường cao tốc liên bang và công nghệ bán dẫn, vệ tinh đã giúp Mỹ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới trên diện rộng, và thắng thế trong cuộc so kè với Liên Xô. Sullivan nhận ra áp dụng cách này không hoàn hảo nhưng khi chạy đua với Trung Quốc thì “sẽ đòi hỏi hình thức huy động trong nước mà Mỹ đã theo đuổi trong những năm 1950 và 1960”.

Quan điểm của Sullivan về kinh tế học tương đồng với quan điểm của Biden. Ông và các đồng nghiệp như Brian Deese, người từng đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, coi những thành tựu của Biden gần đây – gói 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, 1.000 tỷ USD cho xe điện và năng lượng tái tạo, 53 tỷ USD cho bán dẫn – là một phần của chiến lược công nghiệp hiện đại.

Dù vậy, Bidenomics có khá nhiều lỗ hổng. Theo kinh tế học, vốn và lao động là hữu hạn. Vì vậy, chúng cần được phân bổ theo cách tối đa hóa năng suất và tăng trưởng. Kinh nghiệm đã chỉ ra các chính phủ làm việc này kém hơn nhiều so với thị trường. Tất nhiên, thị trường tự định đoạt cũng có những điểm yếu về ô nhiễm hoặc an ninh quân sự, nhưng đó là những ngoại lệ.

Bidenomics chấp nhận giá trị của thị trường tự do nhưng nhìn thấy sự thất bại của thị trường ở khắp mọi nơi, từ bất bình đẳng khu vực, chủng tộc và giới tính đến việc thiếu internet tốc độ cao ở nông thôn và dịch vụ chăm sóc trẻ em giá rẻ. Khi thất bại của kinh tế thị trường được định nghĩa như thế thì quá rộng để giải quyết.

Việc ông Biden và các đảng viên Dân chủ đặc biệt ưu đãi với một số sản phẩm và ngành gây ra bất bình. Nghị sĩ Ro Khanna, đại diện cho Thung lũng Silicon, muốn trợ cấp hiện dành cho bán dẫn cũng sẽ dành cho nhôm, thép, giấy, vi điện tử, phụ tùng ôtô và công nghệ khí hậu. “Mỹ cần có khả năng tạo ra những thứ cơ bản ở đây. Tôi sẽ đi hết thủ phủ công nghiệp này đến thị trấn công nghiệp khác và xem chúng ta có thể làm gì để hồi sinh nơi đó”, ông nói.

Chất bán dẫn rất quan trọng với cả ngành công nghiệp dân sự và quốc phòng, và thậm chí nhiều nhà tân tự do còn ủng hộ các khoản trợ cấp để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Nhưng để phù hợp với Bidenomics – tức giải quyết các thất bại xã hội mà kinh tế tự do gây ra – Bộ Thương mại Mỹ cho biết công ty nhận trợ cấp phải thỏa mãn hàng loạt điều kiện về quản trị như: cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, trả lương theo mức quy định của công đoàn, thuê công nhân có liên đoàn, không mua lại cổ phiếu hoặc đầu tư vào Trung Quốc và chia sẻ lợi nhuận với chính phủ liên bang. Những yêu cầu gò bó này khiến chính sách bị giảm tác dụng.

Đối nội và đối ngoại của Bidenomics, theo WSJ cũng mâu thuẫn. Trong khi tìm kiếm ủng hộ của đồng minh, các chính sách của chính quyền Biden lại phân biệt đối xử với các đối tác đó. Ông Biden cho rằng “Đạo luật Giảm lạm phát” đã giúp bùng nổ sản xuất pin và xe điện tại Mỹ. Nhưng các quốc gia khác phàn nàn các khoản trợ cấp hào phóng nhất của luật này chỉ dành cho các phương tiện được lắp ráp ở Bắc Mỹ. “Mỹ là đối tác của chúng tôi về các giá trị chung, nhưng đồng thời có chính sách kinh tế bảo hộ rất lớn”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner từng nói.

Phàn nàn gần đây lắng xuống khi chính quyền Biden mở đàm phán với đồng minh về các tiêu chuẩn chung đối với các khoáng chất quan trọng được sử dụng trong pin và diễn giải luật theo cách trợ cấp nhiều xe điện nước ngoài hơn. Nhưng một động thái khác khiến vài đảng viên Dân chủ trong quốc hội khó chịu.

Không giống như Donald Trump, Biden không tìm cách xé bỏ các hiệp định thương mại tự do hiện có hoặc tăng thuế. Nhưng ông cũng không quan tâm đến các hiệp định thương mại mới hoặc giảm thuế. “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của ông tìm kiếm sự hợp tác với các đồng minh trong khu vực về điều kiện lao động, chính sách khí hậu, tuân thủ thuế và tham nhũng, nhưng không mang lại khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho Mỹ như TPP.

Với các đối tác thương mại nước ngoài, đó là đề xuất không ấn tượng. Một quan chức Indonesia nhận xét thay vì “củ cà rốt và cây gậy” thì đó lại là “cây gậy và cây gậy”. Vậy đâu là giải pháp thay thế cho Bidenomics?

Việc hứa hẹn tiếp cận rộng rãi hơn vào thị trường Mỹ sẽ không thuyết phục được thêm nhiều nước châu Á đứng về phía Mỹ để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng giống như Chiến tranh Lạnh, cạnh tranh giữa hai siêu cường là cuộc chơi lâu dài.

Theo Doug Irwin, nhà sử học chính sách thương mại tại Đại học Dartmouth, nếu không có chiến lược thương mại chủ động với khu vực, sự vắng mặt của Mỹ sẽ tạo ra khoảng trống giúp Trung Quốc trở thành người dẫn dắt và Mỹ dần mất ảnh hưởng. Khi Mỹ từ bỏ TPP, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bình luận với WSJ rằng “bạn đã bỏ cánh cửa này và giờ sẽ có người khác gõ”.

Ngay cả khi Mỹ đứng ngoài TPP, vẫn có nhiều cách khác để tăng cường quan hệ thương mại. Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, đã khuyến nghị tăng xuất khẩu khí đốt của Alaska sang Nhật Bản, mặc dù điều đó đi ngược lại các mục tiêu khí hậu lâu dài của Biden. Theo ông Emanuel, các nước châu Á vẫn “muốn có sự lãnh đạo quân sự, ngoại giao và kinh tế” của Mỹ

Cho đến rất gần đây, các tổng thống Mỹ vẫn cho rằng ràng buộc các quốc gia khác về thương mại và đầu tư đã giúp duy trì trật tự quốc tế do nước này lãnh đạo. “Việc duy trì sự thống nhất chính trị phương Tây của chúng ta phụ thuộc nhiều vào mức độ thống nhất kinh tế phương Tây”, Tổng thống John F. Kennedy phát biểu vào năm 1962, khi yêu cầu quốc hội mở rộng thẩm quyền đàm phán các hiệp định thương mại.

Cách tiếp cận này không thành công với Trung Quốc nhưng có hiệu quả ngoạn mục với Tây Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nó giải thích tại sao, mặc dù không hài lòng với các khía cạnh của Bidenomics, các quốc gia này đã tăng cường tham gia liên minh của Biden.

Phiên An (theo WSJ)

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/bidenomics-chinh-sach-kinh-te-cua-ong-biden-the-nao-4615953.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện