Thủ tướng đề nghị WEF hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính
Chiều 26/6, ngay khi đến thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam dự Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề: Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước.
Đây là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được WEF tổ chức trong khuôn khổ hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam – hình mẫu về phục hồi kinh tế và đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư, kinh doanh.
Buổi đối thoại có Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch WEF; ông Borge Brende, Giám đốc điều hành WEF cùng khoảng 50 lãnh đạo tập đoàn toàn cầu là thành viên diễn đàn này.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
“Chúng tôi đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, Thủ tướng nói. Ông đồng thời đề nghị WEF và các thành viên tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị hiện đại.
Lãnh đạo Chính phủ cũng mong muốn WEF tăng cường trao đổi về các xu hướng phát triển của thế giới, tư vấn chính sách giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, thích ứng với các quy định, xu hướng mới.
Lãnh đạo WEF và đại diện các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh và đóng vai trò tiên phong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cam kết chuyển đổi năng lượng.
Giáo sư Klaus Schwab nói rất ấn tượng về kết quả phục hồi kinh tế – xã hội và duy trì ổn định vĩ mô của Việt Nam. Ông cam kết thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đề xuất và triển khai các dự án hợp tác thực chất, phù hợp với sự quan tâm của Việt Nam và thế mạnh của WEF.
Nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó có nhiều chính sách gỡ khó, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn. Với các chính sách, biện pháp quyết liệt của Chính phủ để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài.
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã tìm hiểu về các chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, hoàn thiện hệ thống giao vận (logistic), tiến trình triển khai dự án quy hoạch điện VIII, tình hình đẩy mạnh chuyển đổi số.
Cũng trong buổi chiều, Thủ tướng tiếp ông Robert H. McCooey, Jr, Phó Chủ tịch tập đoàn Nasdaq (Mỹ). Lãnh đạo Chính phủ mong tập đoàn chia sẻ với Việt Nam về chính sách tiền tệ các nước lớn, xu hướng thị trường tài chính toàn cầu, thông tin và kinh nghiệm giúp phát triển thị trường vốn trong nước, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Phó chủ tịch Nasdaq đánh giá cao chính sách điều hành tài chính – tiền tệ của Việt Nam; cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt vươn ra tầm toàn cầu. Phó chủ tịch Nasdaq mong được đón Thủ tướng thăm Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF tại Thiên Tân ngày 25-28/6.
Chiều 26/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch WEF Borge Brende cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU)giai đoạn 2023-2026.
MOU là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – WEF trong giai đoạn mới, tập trung vào 6 lĩnh vực trọng tâm. Đó là: đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không; thúc đẩy các hành động về nhựa; tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Việc ký kết MOU sẽ giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực, kinh nghiệm cũng như tham gia các chương trình toàn cầu của WEF, qua đó thiết lập hệ sinh thái đồng bộ để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/thu-tuong-de-nghi-wef-ho-tro-viet-nam-ve-cong-nghe-tai-chinh-4622069.html