EVN muốn cấp điện cho Côn Đảo bằng tuyến cáp ngầm 5.000 tỷ vượt biển
Nguồn điện đang cấp cho Côn Đảo bằng dầu diesel, trên 15 MW vào năm 2022, thiếu hụt so với nhu cầu thực tế của địa phương này và giá cao.
Phương án cấp điện cho Côn Đảo ổn định, giá hợp lý hơn vừa được EVN báo cáo Bộ Công Thương sau khi rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhu cầu phụ tải điện của huyện đảo này. Theo đó, EVN kiến nghị đầu tư tuyến cáp ngầm 110kV vượt biển để kéo điện ra Côn Đảo, tương tự phương án từng đưa ra giữa năm ngoái.
EVN đánh giá cách này tối ưu, khả thi nhất trong số các phương án Ban Quản lý dự án điện 3 (đơn vị tư vấn) đưa ra sau rà soát. Bởi cách này đảm bảo hiệu quả tài chính, khả năng cấp điện liên tục và giá ở mức chấp nhận được. Phương án này cũng sẽ tạo điều kiện hình thành tuyến thông tin cáp quang giữa đất liền và Côn Đảo.
Cụ thể, tuyến đường dây kéo điện ra Côn Đảo sẽ gồm phần dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm trên đảo 6,1 km cùng các hạng mục khác. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Ban Quản lý dự án điện 3 (đơn vị tư vấn) cho thấy, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của Côn Đảo bình quân 16-22% trong 2015-2019. Nhu cầu điện giảm trong hai năm (2020-2021) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đã tăng trở lại từ năm ngoái. Dự báo đến năm 2025 đạt hơn 24,5 MW, tức tăng 27,3% và sẽ đạt 114,4 MW vào 2045.
Trước đó, năm phương án phát triển nguồn điện cho Côn Đảo được đơn vị tư vấn đưa ra, gồm nguồn điện diesel tại chỗ (như cách cung ứng điện hiện nay); năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời); điện gió ngoài khơi; điện gió ngoài khơi kết hợp các nguồn điện tái tạo và đầu tư cấp điện lưới bằng tuyến cáp ngầm vượt biển.
Phân tích các phương án này, đơn vị tư vấn cho rằng trường hợp nguồn điện cấp từ dầu diesel hoặc khí LNG sẽ phải chịu chi phí lớn, trong khi giá nhiên liệu bất ổn, tác động tới môi trường. Còn đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió, quy mô công suất lớn tại Côn Đảo cũng không khả thi do chiếm nhiều diện tích. Bởi theo quy hoạch của huyện Côn Đảo được phê duyệt, quỹ đất cho các công trình năng lượng chỉ chiếm 0,04% diện tích tự nhiên, tương đương gần 2,9 ha.
Tiềm năng gió tại vùng biển Côn Đảo thuận lợi cho phát triển điện gió ngoài khơi, song theo đơn vị tư vấn, nguồn điện này không ổn định, nhất là các tháng chuyển mùa, gió suy yếu, lượng điện chỉ cung cấp được 80-90% nhu cầu. Ngoài ra, theo thống kê có những thời điểm gió khu vực Côn Đảo đạt dưới 3m/s trong 2-3 ngày, không đảm bảo cho turbin gió hoạt động, cấp điện. Để cung ứng đủ điện cần thêm nguồn chạy bù.
Vì thế, cấp điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển là phương án tối ưu nhất.
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress