Chuyên gia: Không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư
Tại dự thảo lần 5 của Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng tiếp tục đưa ra hai phương án về sở hữu chung cư có thời hạn hoặc giữ nguyên như hiện tại, không quy định niên hạn. Quan điểm của cơ quan này vẫn nghiêng về phương án 1, tức cần thiết có thời hạn sở hữu chung cư.
Theo Cổng thông tin Quốc hội, chiều 9/3, Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Góp ý, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động cẩn trọng quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ông phân tích, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Trong hai phương án dự thảo luật đưa ra, ông đề nghị cân nhắc chọn phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Còn PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), dẫn kinh nghiệm một số quốc gia, cho hay các nước chủ yếu điều chỉnh các khía cạnh về chuẩn mực tối thiểu nhà ở, nhà ở xã hội và hỗ trợ nhóm yếu thế về nhà ở; hoặc kiểm soát mua bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà.
“Luật sửa đổi cần nghiên cứu, nhấn mạnh hơn khía cạnh về bảo đảm quyền có chỗ ở, sở hữu nhà của công nhân và bổ sung các quy định bảo đảm quyền của cá nhân, nhóm yếu thế trong xã hội về nhà ở”, ông Đặng Minh Tuấn góp ý.
Nhà chung cư đang có hai loại, 50 năm và sở hữu vĩnh viễn với giá mua khác nhau. Công trình nhà chung cư cũng được gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư và chủ đầu tư này có quyền, nghĩa vụ gắn với sự tồn tại của chung cư đó để tiến hành duy tu, bảo dưỡng và kinh doanh. Cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm khi giám sát trong quá trình thiết kế, thi công, xây dựng công trình.
Tại hội thảo phản biện dự Luật Nhà ở (sửa đổi) cách đây hai ngày, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng phản đối quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ông nói căn cứ xây dựng đề xuất này của cơ quan soạn thảo không xác đáng, thiếu cơ sở thực tiễn.
Ông cho biết, nhà chung cư hiện nay được xác lập quyền sở hữu dựa trên mua bán sòng phẳng theo cơ chế thị trường và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp. Đây là khối tài sản rất lớn của người dân, “lẽ nào vì một điều khác hoàn toàn với thực tiễn mà Nhà nước ra mệnh lệnh chấm dứt quyền sở hữu đơn giản như thế”.
Tại hội thảo hôm nay, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận xét, quy định về hồ sơ nhà ở tại Điều 117 dự thảo luật còn mập mờ, dễ dẫn tới tranh cãi nếu thực thi trong thực tế.
Ông nói, việc quy định các giấy tờ của hồ sơ nhà ở rất quan trọng, liên quan đến việc quản lý, áp dụng trong thực tiễn khi chủ sở hữu nhà ở sử dụng hoặc chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế. Vì thế, các quy định về hồ sơ, các loại giấy tờ trong hồ sơ nhà ở phải “mang tính khẳng định, rõ ràng hơn về những giấy tờ có thực” để tránh gây phiền hà cho người dân.
Hiện chưa quy định về sở hữu bất động sản nghĩ dưỡng (condotel), nhà phố thương mại (shophouse), những loại hình bất động sản phát triển vài năm trở lại đây. Do đó, các chuyên gia kiến nghị, dự luật bổ sung quy định về sở hữu những loại hình nhà ở mới này và xem xét điều chỉnh quan hệ sở hữu của các loại nhà ở.
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/chuyen-gia-khong-nen-quy-dinh-thoi-han-so-huu-nha-chung-cu-4579534.html