Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Nhiên liệu hạt nhân Nga – nút thắt khó gỡ của châu Âu

Nhiên liệu hạt nhân Nga – nút thắt khó gỡ của châu Âu

Một năm qua, châu Âu nhanh chóng cắt giảm mua than, khí đốt và dầu mỏ của Nga, nhưng không thể làm điều tương tự với hạt nhân.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các biện pháp trừng phạt của EU đối với than và dầu mỏ của Nga đã định hình lại dòng chảy thương mại năng lượng và khiến Moskva bị giảm doanh thu. Nhập khẩu than của EU đã giảm xuống bằng 0. Ngoài 4 quốc gia nhận dầu thô qua đường ống, việc vận chuyển bằng tàu là bất hợp pháp nếu không tuân thủ giá trần.

Trong khi đó, vào năm 2020, châu Âu nhập 54% than cứng và một phần tư lượng dầu mỏ từ Nga. Với khí đốt, châu Âu ngày càng chuyển dùng khí đốt hóa lỏng từ nhà cung cấp khác. Ngày nay, khí đốt Nga chỉ còn chiếm dưới 10% nguồn cung cho EU, thay vì 40% như trước xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân là một nút thắt khó tháo gỡ hơn với các nước EU – vì cả lý do lịch sử và thực tế.

Khi cạnh tranh trong lĩnh vực hạt nhân toàn cầu giảm dần sau Chiến tranh Lạnh, các lò phản ứng do Liên Xô xây dựng ở EU vẫn bị kẹt trong việc phải dùng nhiên liệu sản xuất riêng từ Nga, giúp Moskva đóng vai trò lớn.

Vào năm 2021, tập đoàn nguyên tử khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Nga Rosatom đã cung cấp 20% uranium tự nhiên cho các lò phản ứng của châu Âu. Họ đồng thời xử lý một phần tư dịch vụ chuyển đổi và cung cấp một phần ba dịch vụ làm giàu uranium, theo Cơ quan Cung ứng Euratom của EU (ESA).

Các tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân ở Dukovany, Czech. Ảnh: Reuters

Các tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân ở Dukovany, Czech. Ảnh: Reuters

Cùng năm đó, các nước châu Âu đã trả cho Nga 210 triệu euro để mua uranium thô, so với 88 tỷ euro mà khối đã chi cho nước này để mua dầu. Giá trị xuất khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân liên quan đến Nga trên toàn thế giới đã tăng lên hơn một tỷ USD (940 triệu euro) vào năm ngoái, theo nghiên cứu từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI).

Tại EU, giá trị xuất khẩu hạt nhân của Nga giảm ở một số quốc gia như Bulgaria và Czech nhưng lại tăng ở các quốc gia khác, bao gồm Slovakia, Hungary và Phần Lan, theo dữ liệu của RUSI.

“Mặc dù rất khó để đưa ra kết luận rõ ràng từ bộ dữ liệu không đầy đủ và có giới hạn về thời gian, nhưng nó cũng cho thấy vẫn còn sự phụ thuộc và thị trường cho nhiên liệu hạt nhân của Nga”, Darya Dolzikova, nhà nghiên cứu tại Đại học California, cho biết.

Theo Agnieszka Kaźmierczak, người đứng đầu ESA, dù uranium từ Nga có thể được thay thế bằng nhập khẩu từ nơi khác trong một năm – và hầu hết nhà máy hạt nhân đều có dự trữ bổ sung ít nhất một năm – nhưng các quốc gia có lò phản ứng VVER do Nga xây dựng đều phụ thuộc vào nhiên liệu nước này sản xuất.

“Có 18 nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế ở EU và tất cả chúng sẽ bị ảnh hưởng nếu áp lệnh trừng phạt. Đây vẫn là vấn đề gây chia rẽ sâu sắc trong Liên minh châu Âu”, Mark Hibbs, Thành viên cấp cao tại Chương trình Chính sách Hạt nhân của Carnegie cho biết.

Đó là lý do khối này đã vật lộn trong năm qua để không nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ Ukraine và một số nước EU nhằm tấn công tập đoàn Rosatom. “Toàn bộ câu hỏi về việc trừng phạt lĩnh vực hạt nhân về cơ bản đã bị hủy bỏ trước khi có được một cuộc thảo luận ý nghĩa”, nhà ngoại giao một nước EU giấu tên, cho biết.

Phản đối nhất là Hungary, một trong năm quốc gia – cùng với Slovakia, Bulgaria, Phần Lan và Czech. Các lò phản ứng do Nga xây dựng tại nước này đến nay không có nhiên liệu thay thế.

Theo người đứng đầu ESA Kaźmierczak, Bulgaria và Czech đã ký hợp đồng với công ty Westinghouse của Mỹ để thay thế nhiên liệu hạt nhân của Nga. Quá trình này có thể mất ba năm vì các cơ quan quản lý cần phân tích và cấp phép cho loại nhiên liệu mới.

Tuy nhiên, bà Kaźmierczak cho biết vấn đề lớn hơn là dịch vụ toàn diện về chuyển đổi và làm giàu uranium, một lĩnh vực mà toàn thế giới thiếu năng lực kinh niên. Chuyên gia này cho rằng phải mất 7 đến 10 năm để thay thế được dịch vụ của Rosatom, và còn phụ thuộc đầu tư vào lĩnh vực này lớn đến đâu.

Năm ngoái, Phần Lan đã hủy bỏ thỏa thuận xây dựng một nhà máy hạt nhân do Nga triển khai ở bờ biển phía tây của đất nước. Động thái khiến Rosatom khởi kiện trong khi các nước khác vẫn không thay đổi chiến lược.

Lò phản ứng Mochovce-3 mới theo thiết kế VVER của Liên Xô tại Slovakia đã đi vào hoạt động vào đầu tháng này. Vì vậy, Nga sẽ cung cấp nhiên liệu cho nó đến ít nhất năm 2026.

Trong khi đó, Hungary đã thắt chặt quan hệ với Moskva bằng cách cấp phép xây dựng thêm hai lò phản ứng tại nhà máy Paks vào mùa hè năm ngoái. Dự án được bảo lãnh bởi khoản vay 10 tỷ euro của Nga.

“Ngay cả khi chúng ra đời, các lệnh trừng phạt hạt nhân sẽ được miễn trừ vì chúng tôi phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga”, một nhà ngoại giao từ một quốc gia EU khác cho biết.

Phiên An (theo Politico)

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/nhien-lieu-hat-nhan-nga-nut-that-kho-go-cua-chau-au-4576610.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện