Hàng không thế giới phát iPhone, nhận trông trẻ để hút nhân viên
Trong đợt cao điểm bay hè năm ngoái, thiếu nhân lực làm các công việc như vận chuyển hành lý hay chăm sóc khách hàng đã gây ra tình trạng ùn tắc tại nhiều sân bay. Điều này kéo tụt sự hồi phục của ngành hàng không sau đại dịch, khiến các doanh nghiệp phải nghĩ ra nhiều cách để hút người hơn.
“Nếu muốn nhân viên làm việc ở những ca điên rồ, làm lúc nửa đêm, giữa trưa, bạn cần quan tâm đến gia đình của họ nữa”, Thomas Romig – Phó giám đốc Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI World) cho biết. Một phần vấn đề của ngành hàng không là lương thấp và công việc vất vả, khiến nhiều người nghỉ việc. Tình hình này càng trầm trọng do đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử.
Tại Mỹ, lương giờ trung bình của các nhân viên sân bay hiện chưa đầy 18 USD. Con số này thấp hơn nhiều so với các hãng thương mại điện tử, như Amazon với 33 USD một giờ, theo hãng tư vấn tuyển dụng ZipRecruiter.
Các chương trình chăm sóc trẻ đang được áp dụng tại ngày càng nhiều sân bay tại Mỹ. Bộ phận hàng không của công ty điều hành Sân bay Quốc tế Phoenix Sky Harbor đã đưa ra chương trình chăm sóc trẻ cho các nhân viên sân bay.
Họ còn lên kế hoạch xây cơ sở trông trẻ trong sân bay. Bộ phận này có khoảng 900 nhân viên. Họ hiện mới tuyển được 40 trong 171 vị trí còn trống. Chính quyền thành phố Phoenix cũng dự kiến chi 1 triệu USD để mở cơ sở chăm sóc trẻ gần sân bay.
Tại Sân bay Quốc tế Kelowna ở Canada, việc xây cơ sở chăm sóc trẻ cho nhân viên cũng đang được tiến hành. Phillip Elchitz – một lãnh đạo cấp cao tại sân bay – cho biết dự án này đã giữ chân được một nhân viên là bố đơn thân. “Cậu ấy biết sắp có chỗ để gửi con và từ bỏ ý định nghỉ việc. Đây chính xác là điều chúng tôi muốn khi làm việc này”, Elchitz nói.
Ngoài trông trẻ, một số sân bay ở California còn bổ sung nhiều dịch vụ khác để hỗ trợ cuộc sống của các nhân viên. Tháng 7/2022, San Francisco tăng trợ cấp đi lại cho các nhân viên sử dụng phương tiện công cộng, lên 200 USD một tháng. Những người ở quá xa sắp tới sẽ được thử nghiệm xe đưa đón.
Kelowna cũng đang xem xét đưa đón nhân viên làm các ca đêm hoặc sáng sớm – khi phương tiện giao thông dừng hoạt động.
Không chỉ sân bay, các hãng bay cũng gặp tình trạng thiếu nhân lực và phải tung ra nhiều chính sách chưa từng có. Delta Air Lines sẽ thưởng 5.000 USD cho các nhân viên bốc xếp hành lý ký hợp đồng. United Airlines và Alaska Airlines cũng có chính sách tương tự.
Unifi – công ty cung cấp nhân sự và thiết bị cho Delta, United và Alaska Airlines cũng phải tìm cách giữ chân nhân viên. Năm ngoái, họ cấp ôtô mới cho 3 nhân viên, đồng thời tặng smartphone (kể cả iPhone) cho hơn 3.000 người đạt thành tích tốt. Công ty này còn đang lập quỹ khẩn cấp và tài trợ cho một chương trình giúp nhân viên mua đồ dùng, máy tính.
Giám đốc chiến lược Unify Ying McPherson cho biết trong một số trường hợp, các công ty còn trả tiền đi máy bay và ăn ở tại khách sạn cho nhân viên công tác, để tránh chi phí thuê thêm người.
Các công đoàn đang yêu cầu ngành hàng không nỗ lực hơn nữa để thu hút và giữ chân nhân viên. Unifor – công đoàn lớn nhất Canada – cho biết lương giờ khởi điểm với công việc bảo vệ sân bay thường là 15,5 đôla Canada. Sau 6 năm, con số này chỉ lên 16,1 đôla Canada.
Jared Barker – nhân viên bốc dỡ hành lý tại Sân bay Quốc tế Minneapolis–Saint Paul đã nghỉ việc năm ngoái để chuyển sang bán bảo hiểm. Đại dịch khiến nhiều người nghỉ việc và công việc ở sân bay của anh trở nên quá tải. “Tôi gần như kiệt sức”, Barker cho biết.
Hà Thu(theo Reuters)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/hang-khong-the-gioi-phat-iphone-nhan-trong-tre-de-hut-nhan-vien-4575626.html