Những bluechip kinh doanh thế nào
VN30 là nhóm những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa đứng đầu thị trường chứng khoán, gồm 11 ngân hàng và 19 doanh nghiệp khác.
Năm 2022, tổng lãi trước thuế của 30 doanh nghiệp đứng đầu này đạt hơn 340.000 tỷ đồng (hơn 14 tỷ USD), tăng hơn 6% so với năm trước. So với mức tăng hơn 28% của năm 2021, đà tăng trưởng của các bluechip đã bị thu hẹp. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm chủ yếu nằm ở nhóm sản xuất, bán lẻ và bất động sản.
Nếu chia theo từng ngành, ngân hàng là cái tên áp đảo nhất, vị thế đã được duy trì trong những năm gần đây.
11 nhà băng trong nhóm VN30 đạt tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 hơn 200.000 tỷ đồng, chiếm hơn phân nửa tổng lợi nhuận của cả nhóm VN30. Nhóm này cũng duy trì “phong độ” ổn định với mức tăng trưởng năm trước đạt hơn 34%, gấp nhiều lần mức tăng chung.
Vietcombank là “quán quân” của ngành ngân hàng với mức lợi nhuận trước thuế hơn 37.300 tỷ đồng. Tín dụng của ngân hàng này tăng mạnh nhất chục năm qua khiến thu nhập lãi thuần tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, Vietcombank còn thắng lớn nhờ kinh doanh ngoại hối trong bối cảnh hàng loạt nhà băng khác giảm lãi hoặc thậm chí thua lỗ từ mảng này.
Mức lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng trên báo cáo tài chính cũng chưa phản ánh hết vị thế dẫn đầu của “ông lớn” này. Với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trên 400% (tức với 100 đồng nợ xấu, ngân hàng trích lập dự phòng tới 460 đồng), Vietcombank vẫn còn “của để dành” trong tương lai.
Những nhà băng đứng sau có quy mô lợi nhuận tương đồng gồm Techcombank, BIDV, MB, VPBank và VietinBank. Nhóm này cùng đạt mức lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng trong năm trước.
Bất động sản, với đại diện là Vinhomes, dẫn đầu về quy mô lợi nhuận trong VN30. Năm ngoái, nhà phát triển bất động sản đứng đầu thị trường này đạt hơn 38.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 20% cùng kỳ. Kết quả này cũng thu hẹp khoảng cách giữa Vinhomes và doanh nghiệp ở vị trí thứ hai là Vietcombank. Những cái tên còn lại trong nhóm bất động sản, như Phát Đạt hay Novaland, đều ghi nhận sự sụt giảm.
Trong mảng sản xuất, Hòa Phát có mức độ xáo trộn thứ hạng lớn nhất. Năm 2021, nhờ sự thăng hoa của ngành thép, Hòa Phát đứng thứ hai về lợi nhuận trong VN30, vượt xa cả nhóm ngân hàng.
Tuy nhiên, sự khó khăn của lĩnh vực kinh doanh này trong năm 2022, đặc biệt trong hai quý cuối năm, khiến quy mô lãi trước thuế của “vua thép” thu hẹp về dưới 10.000 tỷ đồng, giảm hơn 70% cùng kỳ.
Thế chân HPG là sự vươn lên của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas). Nhờ giá dầu và khí LPG tăng cao, doanh nghiệp này đã cán đích kế hoạch lợi nhuận chỉ sau nửa năm. Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của PV Gas đạt hơn 18.800 tỷ đồng, tăng gần 70%.
Ở lĩnh vực bán lẻ, Masan (MSN) và Thế giới Di Động (MWG) cùng đi lùi trong năm 2022. Lãi trước thuế của MSN năm trước giảm hơn 50% cùng kỳ, trong khi MWG cũng ghi nhận mức giảm hơn 6%.
Trong khi đó, ở phân khúc hàng tiêu dùng, lợi nhuận của Sabeco (SAB) đạt hơn 6.800 tỷ đồng trong năm trước, mức cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này về tay người Thái. Tăng trưởng chủ yếu nhờ vào hoạt động bán hàng đã trở về gần ngưỡng trước đại dịch. Doanh thu của Sabeco năm 2022 đạt hơn 35.200 tỷ đồng, tương đương bình quân hơn 96,5 tỷ đồng mỗi ngày, tăng 33% so với năm 2021.
Vinamilk, doanh nghiệp đứng đầu thị phần ngành sữa, dù chững lại nhưng vẫn duy trì quy mô lãi trước thuế trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Minh Sơn
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/nhung-bluechip-kinh-doanh-the-nao-4575575.html