Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Vì sao lạm phát ‘bỏ quên’ Thụy Sĩ

Vì sao lạm phát ‘bỏ quên’ Thụy Sĩ

Trong khi Mỹ, Anh, eurozone vật lộn với lạm phát hai chữ số, tốc độ này tại Thụy Sĩ năm ngoái chỉ là 2,8%.

“Tôi cho rằng lạm phát được cảm nhận ở nước ngoài rõ hơn ở đây”, một người dân Zurich cho biết trên CNBC tháng trước, “Mẹ tôi đang sống ở Berlin. Bà ấy luôn phàn nàn với tôi rằng mọi thứ đang trở nên quá đắt đỏ”.

Khi rất nhiều quốc gia trên thế giới vật lộn với lạm phát cao dai dẳng, tốc độ tăng giá ở Thụy Sĩ lại thấp hơn rất nhiều. Tháng 8/2022, lạm phát ở đây chạm đỉnh 29 năm tại 3,5%.

Dù đây là mức cao so với chính họ, số liệu này vẫn rất thấp so với các nước tiên tiến khác, như Mỹ (9,1%), Anh (11,1%) và eurozone (10,6%). Tính chung cả năm 2022, tốc độ tăng giá tại Thụy Sĩ chỉ là 2,8%.

Theo CNBC, dưới đây là những lý do giúp lạm phát tại Thụy Sĩ không quá cao:

Nền giá vốn đã ở mức cao

Thụy Sĩ là một trong những nước giàu có nhất thế giới, với GDP bình quân cao hơn cả các nền kinh tế như Mỹ, Nhật Bản và Đức. Các thành phố Zurich và Geneva cũng thường xuyên nằm trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU).

10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022, theo báo cáo Chi phí sinh hoạt toàn cầu của EIU. Đồ họa: CNBC

2 trong 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022 thuộc về Thụy Sĩ, theo báo cáo Chi phí sinh hoạt toàn cầu của EIU. Đồ họa: CNBC

Tỷ lệ thu nhập chi cho thực phẩm và chỗ ở của người Thụy Sĩ cũng thấp hơn so với cho những thứ không thiết yếu. Giá tăng chủ yếu nằm ở nhu yếu phẩm, như nhiên liệu, lương thực. Vì thế, người dân nước này ít cảm nhận được tác động từ lạm phát

“Vì người dân thường có mức sống cao, tỷ lệ thu nhập chi cho thực phẩm không cao như nhiều nước khác”, Tobias Straumann – Giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Zurich cho biết trên CNBC, “Dĩ nhiên, chúng tôi cũng có bất bình đẳng thu nhập. Nhưng từ quan điểm quốc tế, tôi cho rằng Thụy Sĩ có chính sách an sinh xã hội khá tốt”.

Đồng franc Thụy Sĩ ổn định

Một lý do khác giúp biến động giá tại Thụy Sĩ không quá lớn là đồng franc mạnh. Vài năm gần đây, đồng tiền này còn tăng giá đều đặn, lên ngang giá với euro. Trong khi rất nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với USD, franc lại khá ổn định.

Tỷ giá franc Thụy Sĩ - USD trong một năm qua. Biểu đồ: Reuters

Tỷ giá franc Thụy Sĩ – USD trong một năm qua. Biểu đồ: Reuters

Nguyên nhân chủ yếu là franc Thụy Sĩ luôn được coi là tài sản an toàn. Đồng tiền này được bảo đảm bởi lượng lớn dự trữ vàng, trái phiếu và tài sản tài chính. Những tài sản này giúp Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ ổn định nội tệ trong thời kỳ biến động.

Việc này cũng hỗ trợ Thụy Sĩ khi nền kinh tế này phụ thuộc vào ngoại thương. Thụy Sĩ nhập khẩu hơn 300 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ mỗi năm. Phần lớn số này đến từ châu Âu. Vì thế, đồng franc mạnh giúp các hàng hóa này rẻ hơn.

Hàng xuất khẩu của Thụy Sĩ chủ yếu có giá trị cao, như đồng hồ hay dược phẩm. Những mặt hàng này ít chịu biến động giá cả hơn sản phẩm biên lợi nhuận thấp, sản xuất đại trà.

Nguồn cung năng lượng ổn định

Thụy Sĩ cũng ít chịu tác động từ các yếu tố khiến giá cả tăng vọt năm ngoái, như chiến sự Ukraine. Nước này có nhiều núi và hồ, giúp thủy điện đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung năng lượng. Từ đó, Thụy Sĩ ít phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu như các nước châu Âu khác.

Cuối năm 2022, giá năng lượng tại Thụy Sĩ tăng 16,2%. Mức này thấp hơn nhiều nước, như Đức (25%), Hà Lan (30%), Anh (52,3%) và Italy (64,7%).

Jean-Claude Huber – quản lý khách sạn Hotel Piz Buin Klosters tại phía đông Thụy Sĩ cho biết việc chuẩn hóa các hợp đồng năng lượng dài hạn đã giúp doanh nghiệp như ông tránh được biến động giá lớn. Họ cũng có thể tăng giá 5-10% với khách hàng mà không ảnh hưởng lớn đến nhu cầu.

Kiểm soát chặt giá hàng hóa, dịch vụ

Trong số các sản phẩm chủ chốt thường được dùng để theo dõi lạm phát ở châu Âu (gồm thực phẩm, nhà ở và phương tiện giao thông), gần một phần ba chịu sự quản lý giá của chính phủ Thụy Sĩ.

Giá thực phẩm nước này tháng 12 năm ngoái chỉ tăng 4% so với năm trước đó. Mức này ở Mỹ là 11,9%, Anh là 17% và Đức là gần 20%.

Thuế nhập khẩu cao với một số loại nông sản cũng đồng nghĩa các sản phẩm nội địa, như sữa hay phomai, có giá dễ chịu hơn. Điều này giúp kích thích kinh tế trong nước.

Dù vậy, những điều trên không có nghĩa người tiêu dùng Thụy Sĩ miễn nhiễm với lạm phát. Khảo sát của CNBC cho thấy người dân nước này nhận thấy giá thuê nhà và một số thực phẩm khác tăng đáng kể.

Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ tháng 12 dự báo lạm phát năm nay sẽ giảm về 2,4%. Sang năm tới, tốc độ này có thể về 1,8%.

Việc này sẽ kéo lạm phát về dưới mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng nền kinh tế sẽ khó bị ảnh hưởng.

“Kể cả nếu Thụy Sĩ rơi vào suy thoái, mọi người sẽ vẫn tới đây, giúp bình ổn nhu cầu”, Straumann cho biết, ám chỉ việc người dân dịch chuyển trên khắp châu Âu. Ông cho rằng tình hình năm nay và năm tới cũng sẽ không khác biệt.

Hà Thu(theo CNBC)

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/vi-sao-lam-phat-bo-quen-thuy-si-4575324.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện