Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ cơ chế đấu nối điện mặt trời

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ cơ chế đấu nối điện mặt trời

Hai năm kể từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tạm ngừng đấu nối điện mặt trời mái nhà, các doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ cơ chế.

Băn khoăn về chính sách điện mặt trời được nhiều doanh nghiệp nêu tại buổi giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, ngày 22/2.

Tổng giám đốc Công ty Sao Nam Nguyễn Thượng Quân, chuyên sản xuất điện mặt trời, cho biết Việt Nam khuyến khích phát triển điện mặt trời từ năm 2016, nhiều doanh nghiệp và người dân đua nhau đầu tư. Lượng điện này sẽ hoà vào mạng lưới quốc gia và được EVN mua theo giá FIT 2 trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, chính sách này hết hiệu lực vào 31/12/2020, từ đó đến nay, hệ thống điện mặt trời không còn được đấu nối vào lưới điện.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP HCM. Ảnh: EVNHCM.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP HCM. Ảnh: EVNHCM.

Ông Quân đánh giá cách làm này bất hợp lý. Bởi việc hoà vào hệ thống của EVN chủ yếu để khi điện mặt trời thiếu sẽ sử dụng điện lưới, nhằm giải quyết sự thiếu cân đối công suất giữa ngày và đêm. Nếu việc đấu nối lên lưới điện gây ảnh hướng đến hệ thống truyền tải thì không cho phép là hợp lý. Tuy nhiên, nếu hệ thống điện mặt trời được thiết kế tự dùng 100%, tức hoàn toàn không có nguy cơ phát lên lưới, việc đấu nối không ảnh hưởng gì đến truyền tải chung.

“Không nên hiểu EVN không mua điện đồng nghĩa với không được đấu nối. Chúng tôi đề xuất quy định rõ ràng cho phép hệ thống điện mặt trời đấu nối với điện lưới nếu hệ thống có tính năng chống phát ngược (zero-export)”, ông Quân nói và cho rằng nếu không ảnh hưởng gì đến hệ thống truyền tải thì cứ cho đấu nối.

Ông cũng đánh giá chính sách phát triển điện mặt trời quá ngắn và thiếu tính kế thừa. Tình trạng tạm dừng đấu nối đã diễn ra hơn 2 năm qua. Nhu cầu điện mặt trời tại các đô thị, đặc biệt là TP HCM vẫn rất cao, nhưng vì cơ chế chung không cho đấu nối khiến doanh nghiệp và nhiều hộ gia đình hoang mang.

Ông đồng ý một số khu vực thừa điện mặt trời nên tạm dừng đấu nối. Còn các thành phố đông đúc hoặc đầu tư điện mặt trời 100% tự dùng, chính sách này đang ngăn cản sự phát triển chung, trong khi tiềm năng rất lớn. Ông đánh giá nếu đầu tư và lưu trữ tốt, miền Nam có thể thừa điện để xuất khẩu qua Campuchia và Lào, vốn đang thiếu hụt năng lượng.

Theo ông Quân, loại hình này là giải pháp phù hợp nhất hiện nay để chuyển dịch sang nguồn năng lượng bền vững bởi không ảnh hưởng đến môi trường, không mất thêm quỹ đất và tận dụng được nguồn vốn trong dân.

Tương tự, Giám đốc Công ty Điện xanh Đỗ Minh Việt phản ánh hai năm qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng như EVN vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và tự tiêu dùng cho các công trình công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm.

“Việc không chấp thuận phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng có thể gây phản ứng tiêu cực từ các chủ đầu tư và địa phương, đặc biệt là với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI”, ông Việt chỉ ra nguy cơ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, tâm tư về phát triển điện mặt trời. Ảnh: Thu Hằng

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, tâm tư về phát triển điện mặt trời. Ảnh: Thu Hằng

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, chia sẻ trước đây người dân dùng điện mặt trời được hoà điện, trả tiền. Chính sách hợp tình, hợp lý nên dân phấn khởi vì có thể tiết kiệm cho bản thân và nhà nước. Tuy nhiên, khi chính sách này không còn, người dân ở vùng nông thôn thắc mắc rất nhiều ở các buổi tiếp xúc cử tri. Bà đề nghị Tổng công ty điện lực TP HCM cần góp ý làm sao “kêu thấu” để Trung ương có chủ trương hợp lý hơn.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Điện lực TP HCM, tính đến ngày 31/12/2022, thành phố có 14.151 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 355,19 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện. Gần 99% được lắp đặt để tự sử dụng tại chỗ. Từ ngày 1/1/2021 tới nay, việc ký hợp đồng mua bán loại điện này đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.

Hồi đầu tháng một, Bộ Công Thương ban hành quyết định khung giá phát điện mặt trời, gió mới cho các dự án chuyển tiếp. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, chính sách này chỉ có ý nghĩa với dự án chuyển tiếp, không phải tất cả. Ngoài ra, chính sách đấu nối với lưới điện vẫn phải chờ Quy hoạch điện VIII được Chính phủ thông qua mới có thể áp dụng khung giá trên.

Theo các chuyên gia, hệ thống điện mặt trời được xem là nguồn năng lượng xanh hiệu quả tại đô thị, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, đóng góp vào định hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net-Zero của Chính phủ.

Thu Hằng

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-mon-moi-cho-co-che-dau-noi-dien-mat-troi-4573634.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện