VCCI: Điều hành giá xăng dầu đang nửa vời
Góp ý này được VCCI nêu trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương về sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 kinh doanh xăng dầu.
Theo VCCI, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lan rộng, chủ yếu xuất phát từ phương thức quản lý giá của Nhà nước. Vừa qua doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu – mức hoa hồng đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho đơn vị bán lẻ – bằng 0 hoặc âm khiến họ không muốn bán hàng.
Quy định mức chiết khấu tối thiểu trong giá bán lẻ cũng là kiến nghị của hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ, tỉnh Kiên Giang đưa ra gần đây. Tuy nhiên tại dự thảo tờ trình lần 2, trong số các phương án đưa ra, Bộ Công Thương chọn phương án không quy định, để tự các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thoả thuận.
Với cách thiết kế quy định như hiện nay, theo VCCI, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí, khoản âm này chủ yếu đổ vào doanh nghiệp bán lẻ.
Do đó, mấu chốt là xử lý cơ chế giá bán lẻ, trong đó quy định mức chiết khấu tối thiểu. “Nếu vẫn không có, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhận xét.
Tức là, một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.
Cũng theo VCCI, trước đây tình trạng thiếu hụt xăng dầu diễn ra vài ngày trước mỗi kỳ điều hành giá và chấm dứt khi giá được điều chỉnh. Nhưng gần đây xuất hiện tình trạng thiếu hụt ngay cả sau khi điều hành giá. Điều này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (premium, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, lãi vay…) trong năm 2022, nhưng chưa kịp phản ánh trong giá điều hành.
Cơ quan này cho rằng, nếu Bộ Công Thương chọn phương án Nhà nước tiếp tục định giá, đồng thời sửa công thức giá cơ sở “tính đúng, đủ” cũng khó đảm bảo tính hợp lý, khả thi và có thể lặp lại bất cập trên thị trường. Vì thế, họ đề nghị cho doanh nghiệp tự quyết định giá. Khi đó, giá bán do cung cầu quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường.
VCCI phân tích, chi phí mua xăng có giá tham chiếu theo sàn thế giới, còn các chi phí như vận chuyển, bảo hiểm, premium trong nước, bán hàng, lãi vay… của mỗi lô hàng, kho xăng và doanh nghiệp là khác nhau.
“Nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp báo cáo nhưng lại luôn phải đối mặt với nguy cơ họ kê khai cao lên nhằm có được giá bán cao hơn. Thậm chí, kiểm toán cũng khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp gửi giá, thông đồng với đối tác để đẩy chi phí lên”, VCCI nêu.
Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn muốn tồn tại quỹ vì đây là công cụ điều hành, giúp bình ổn giá. Song, VCCI kiến nghị bỏ vì cho rằng điều hành vừa qua chưa đạt mục tiêu giúp giảm biên độ biến động giá trong nước.
VCCI còn đánh giá, nhiều quy định quản lý trong kinh doanh xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh thị trường, như khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng đang quy định là 300 m khiến mỗi nơi có mức độ độc quyền nhất định. Hay điều kiện đầu tư kinh doanh, rào cản gia nhập thị trường quá cao dẫn đến các doanh nghiệp đang tồn tại không có nhiều động lực cải tiến nâng cấp dịch vụ để thu hút người dùng…
Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.
Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/vcci-dieu-hanh-gia-xang-dau-dang-nua-voi-4567719.html