Không chỉ Anh, vào những năm 1590, tình thế đó lan rộng khắp châu Âu, với khủng hoảng tài chính, bất ổn xã hội và chiến tranh tàn phá. Căn nguyên là do lạm phát gia tăng một cách bất ngờ.
Ở Anh vào năm 1500, giá của rổ hàng hóa tiêu chuẩn mà người tiêu dùng phải chi (phần lớn là thực phẩm, cùng những thứ khác như quần áo và ánh sáng) không cao hơn so với năm 1275, theo nhà sử học Gregory Clark và các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Anh.
Nhưng sau năm 1500, tất cả đã thay đổi. Lạm phát kéo dài, từng là điều không thể tưởng tượng được, đã không thể ngăn chặn. Trong vòng 50 năm, giá cả trung bình trên khắp nước Anh tăng gấp đôi. Nghiên cứu của Paul Schmelzing thuộc Đại học Boston cho thấy trước đó giá cả ở Italy đã tăng 5% một năm.
Ở Pháp và Hà Lan, lạm phát đạt 4% vào cuối thế kỷ. Ở Nga, xu hướng lạm phát gia tăng từ những năm 1530. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu đạt đỉnh vào những năm 1590 ở mức gần 3% một năm. Con số 3% ngày nay rất thấp nhưng vào thời đó, tăng trưởng thu nhập danh nghĩa về cơ bản là bằng không. Do đó, hầu như mọi mức độ lạm phát đều khiến người dân nghèo hơn.
Lạm phát tăng trong thời gian dài, thậm chí còn lâu hơn cả thời kỳ lạm phát phi mã vào đầu thế kỷ 19 do các cuộc chiến tranh của Napoléon, hoặc những năm 1970. Một số quốc gia bị thiệt hại nhiều hơn những nước khác. Ví dụ, lạm phát ở Scotland tệ hơn nhiều so với Anh. Và lạm phát của Hà Lan có thể tệ nhất thế giới.
Cũng giống như lạm phát ngày nay, các học giả vào những năm 1500 đã bất đồng gay gắt về nguyên nhân. Không nơi nào cuộc tranh luận này sôi nổi hơn ở Pháp những năm 1560 và 1570. Một chuyên gia thời đó là Jean Cherruyer de Malestroit cho rằng áp lực giá cả là kết quả của việc chi tiêu quá mức. Quan điểm này nếu so với thời nay thì tương đồng với của Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers.
Trong khi đó, một nhân vật khác tên là Jean Bodin lập luận rằng nguyên nhân từ những cú sốc bất ngờ với hệ thống kinh tế toàn cầu. Ngày nay, ý kiến này giống với nhà kinh tế học người Mỹ Paul Krugman.
Giống như Summers và Krugman ngày nay, cả Malestroit và Bodin đều có lý. Nhu cầu dư thừa chắc chắn đóng một vai trò. Dân số tăng nhanh sau “Cái chết đen” (một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV) và nhiều người trong số đó đã chuyển đến các thành phố. Điều này làm tăng nhu cầu về lương thực trong lúc nông dân sản xuất giảm. Ngoài ra, một số vị vua đã thúc đẩy nền kinh tế bằng cách thao túng tiền tệ.
Vào những năm 1540, vua Henry VIII phá giá tiền tệ bằng một chính sách có tên “Great Debasemen”. Ông cho nấu chảy các đồng tiền vàng, pha trộn với các kim loại kém giá trị hơn để có được nhiều đồng tiền vàng hơn.
Sử dụng phương pháp này, ông đã có thêm một lượng tiền trị giá khoảng 2% GDP trong một số năm. Ông lấy đó chi cho các cuộc chiến tranh và cung điện. Nhưng kết quả là sự gia tăng nhu cầu danh nghĩa đã kích động các thương gia tăng giá.
Không chỉ Henry, những vị vua sau cũng phá giá tiền tệ. Scotland thì bắt đầu phá giá tiền vào năm 1538 và nhân đôi chiến lược này vào năm 1560. Ở vùng đất thấp phía nam mà ngày nay là Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, đồng tiền đã bị hạ giá 12 lần từ năm 1521 đến năm 1644.
Nhưng chỉ riêng động thái phá giá tiền không giải thích được tình trạng lạm phát lớn, dù Malestroit có lập luận thế nào đi nữa. Pháp từng hạ giá tiền của họ 123 lần từ 1285 đến 1490 nhưng không có lạm phát giai đoạn đó.
Tuy nhiên, vào những năm 1500, ngay cả khi nhiều quốc gia giảm tốc độ phá giá tiền, tất cả đều chứng kiến lạm phát. Tây Ban Nha đã ngừng hoàn toàn việc giảm giá tiền từ năm 1497 đến năm 1686. Do đó, một số nhà sử học cho rằng nguyên nhân từ phía nhu cầu là không đủ. Vì vậy, cần xem xét những gì đang xảy ra trên khắp Đại Tây Dương, nguồn gốc gây ra cú sốc nguồn cung với kinh tế châu Âu.
Vào khoảng năm 1545, người ta đã phát hiện ra những mỏ bạc khổng lồ ở Bolivia. Potosí, trung tâm của ngành công nghiệp mới béo bở này, trở thành thành phố lớn thứ 5 trong thế giới Cơ đốc giáo về dân số (sau London, Naples, Paris và Venice).
Thời gian đầu những năm 1500, chỉ có 10 tấn bạc cập bến bờ biển châu Âu và tăng dần lên 173 tấn giai đoạn cuối thế kỷ đó. Tây Ban Nha, nơi phần lớn kim loại được chuyển đến, ban đầu trải qua tình trạng lạm phát đặc biệt cao, nhưng sau đó lạm phát lan rộng khắp phần còn lại của châu Âu, đến tận Nga.
Sự gia tăng lạm phát ngày nay chỉ mới một năm nhưng đã gây ra những hậu quả chính trị và xã hội sâu sắc. Ở vài nơi trên thế giới, niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp khi tiền lương thực tế giảm. Các chính trị gia đương nhiệm không được lòng dân. Các cuộc biểu tình về chi phí sinh hoạt đang nổ ra.
Tuy nhiên, tất cả vẫn không đáng kể so với tác động của lạm phát thế kỷ 16. Tiền lương thực tế trung bình vào đầu những năm 1500 ở mức cao nhất khoảng 7 cent một tuần, sau đó giảm liên tục. Sức mua không hồi phục cho đến cuối thế kỷ 19. Hậu quả của việc siết chặt mức sống không chỉ khiến ăn xin tràn lan mà xã hội và chính trị trên khắp châu Âu trở nên bất ổn.
Trong một bài báo xuất bản năm 1986, Jack Goldstone, Nhà xã hội học hiện làm việc tại Đại học George Mason, đã đặt câu hỏi vì sao từ năm 1550 đến năm 1650 “các quốc gia tan vỡ trên diện rộng”.
Tại Pháp vào năm 1572, vụ thảm sát Ngày Thánh Bartholomew dẫn đến hàng nghìn người chết. Những năm 1590 là những năm nổi dậy ở Áo, Phần Lan, Hungary và Ukraine. Từ 1598, Nga bước vào “Thời kì Đại loạn” với khoảng 15 năm vô luật pháp.
“Chiến tranh Ba Mươi Năm” bắt đầu vào 1618 và lên đến đỉnh điểm với việc vua Charles I của Anh bị hành quyết vào năm 1649. Vào mỗi năm của khoảng 25 năm đầu thế kỷ 16, cứ 100.000 người trên toàn cầu thì có khoảng 6 người chết trong các cuộc xung đột. Từ những năm 1620 đến những năm 1640, cứ 100.000 người thì có khoảng 60 người chết hàng năm.
Giới tinh hoa cũng chịu thiệt. Tầng lớp quý tộc thường phụ thuộc vào các khoản thu cố định (chẳng hạn như cho thuê nhà). Ở miền bắc nước Pháp và Bỉ, bất bình đẳng đã giảm vào những năm 1560 và 1570 khi những người có thu nhập trung bình làm ăn tốt trong khi các địa chủ giàu có thu nhập giảm. Các nhà tài phiệt vốn không quen với xung đột kinh tế nên kích động sự thay đổi.
Quan trọng hơn là các chính phủ cũng gặp khó. Nhiều thế kỷ lạm phát bằng 0 hoặc thấp đã ảnh hưởng đến cách họ cấu trúc tài chính nhà nước. Các vị vua thường cho thuê những mảnh đất với giá thuê cố định trong thời gian 99 năm. Thuế hải quan được giữ ở mức giá danh nghĩa. Đây là một vấn đề một khi lạm phát cất cánh.
Từ giữa những năm 1570 đến giữa những năm 1590, nguồn thu thuế của Tây Ban Nha không đổi về tiền mặt, nhưng có sức mua kém hơn. Và chi phí của chính phủ, vốn không cố định, đã tăng vọt. Vào thế kỷ sau năm 1530, đưa một người lính ra chiến trường tốn kém gấp 5 lần trước đó.
Do đó theo thời gian, lạm phát góp phần khiến các quốc gia yếu hơn và khủng hoảng nợ. Các chính phủ ra sức làm những gì có thể để tăng thu. Vào năm 1544 và 1545, Henry VIII bán bớt tài sản của nhà nước, chẳng hạn các lô đất, trị giá hơn 150.000 bảng Anh (hoặc hơn 2% GDP). Đầu những năm 1600, những vụ mua bán nhỏ hơn dưới thời Elizabeth I vẫn diễn ra.
Ông Goldstone chỉ ra rằng số người được phong tước hiệp sĩ “với số lượng chưa từng có” cũng mang đến những khoản tốn kém lớn. Ngoài ra, hoạt động cho vay bùng nổ vào đúng thời điểm nhiều người cho vay bắt đầu tăng lãi suất. Theo đó, lãi suất hiếm khi tăng vào những năm 1300 và 1400, đã tăng lên gấp bội với Pháp (năm 1558, 1624 và 1648), Bồ Đào Nha (năm 1560) và Tây Ban Nha (năm 1557, 1575, 1596, 1607, 1627 và 1647).
Cuối cùng, đại lạm phát cũng kết thúc nhờ nhiều yếu tố. Theo đó, tăng trưởng dân số chậm lại, làm giảm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ. Các quân chủ nắm quyền kiểm soát chính sách tài chính và tiền tệ cam kết sẽ ít để vỡ nợ và phá giá tiền tệ hơn. Dòng kim loại quý từ châu Mỹ cũng dần chậm lại. Tuy nhiên, những bài học từ 500 năm trước là rõ ràng. Bất kể nguyên nhân là gì, các xã hội để xảy ra lạm phát thì sẽ dẫn đến mức sống suy giảm.
Phiên An (theo The Economist)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/bai-hoc-tu-cuoc-dai-lam-phat-500-nam-truoc-4552950.html