Kho bạc Nhà nước gửi 270.000 tỷ tại ngân hàng
Tại họp báo chiều 27/12, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ nhà nước (thuộc Kho bạc Nhà nước) đã làm rõ về khoản 900.000 tỷ mà đơn vị này được giao quản lý. Trước đó, có thông tin khoản tiền này là vốn đầu tư công chậm giải ngân đang “mắc kẹt” tại các ngân hàng thương mại.
Ông Lưu Hoàng cho biết, số tiền hơn 900.000 tỷ đồng này là tiền tồn quỹ ngân sách trung ương, các tỉnh, huyện, và hơn 100.000 số dư tài khoản của các đơn vị, tổ chức công lập… Trong đó, chiếm đa phần là tồn quỹ ngân sách địa phương, số dư tồn quỹ Nhà nước là không lớn.
Kho bạc Nhà nước đã gửi 900.000 tỷ tại hai nơi, gồm 700.000 tỷ đồng không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính. Phần còn lại, khoảng 270.000 tỷ đồng được gửi tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) kỳ hạn 1-3 tháng với lãi suất khoảng 6% một năm.
Nói thêm, bà Trần Thị Huệ, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, việc lựa chọn ngân hàng thương mại để gửi tiền được thực hiện theo 2 bước: Đầu tiên là đánh giá của Ngân hàng Nhà nước về tính an toàn, hoạt động hiệu quả; Sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề ra tiêu chí để tiếp tục lọc.
Theo quy định có hiệu lực từ tháng 11/2019, các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức này sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước.
Để được “chọn mặt gửi tiền”, đầu tiên, các ngân hàng phải có tên trong danh sách “nhà băng có mức độ an toàn cao” do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Bộ Tài chính. Sau đó, từ danh sách này, Kho bạc Nhà nước sẽ đánh giá một lần nữa nhưng dựa trên 4 tiêu chí theo Thông tư 64/2019 do Bộ Tài chính quy định. Qua hai vòng đánh giá này, các ngân hàng sẽ tham gia chào thầu: ai trả lãi cao, ngân hàng đó được ưu tiên.
4 tiêu chí Bộ Tài chính đưa ra gồm quy mô tổng tài sản; tổng vốn chủ sở hữu; nợ xấu so với dư nợ tín dụng; kết quả hoạt động kinh doanh và được tính theo trọng số. Tuy nhiên, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu vẫn chiếm tới 80% trọng số đánh giá, do đó 4 nhà băng có vốn nhà nước có ưu thế vượt trội hơn hẳn do có cách biệt lớn với nhóm cổ phần về quy mô tài sản và vốn.
Tại họp báo, Kho bạc Nhà nước cũng cho biết, đến hết ngày 20/12, luỹ kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, bằng 122% dự toán. Cơ quan này cũng thực hiện kiểm soát 895.195 tỷ đồng, bằng 80% dự toán chi thường xuyên, từ đó, phát hiện hơn 980.600 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, phải bổ sung thủ tục. Kho bạc Nhà nước cũng từ chối 4.200 khoản, tương đương 451 tỷ đồng.
Với chi đầu tư, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát thanh toán qua Kho bạc Nhà nước là hơn 403.160 tỷ đồng, bằng khoảng 68% kế hoạch vốn. Trong đó, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện hơn 90.900 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định và từ chối thanh toán 934 khoản, tương đương 60 tỷ đồng.
Đức Minh – Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/kho-bac-nha-nuoc-gui-270-000-ty-tai-ngan-hang-4553421.html