Chú trọng hành lang kinh tế khi quy hoạch tổng thể quốc gia
Chiều 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, không gian phát triển quốc gia thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế từng vùng.
Việc phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng là rất quan trọng để hình thành “các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia”. Trong đó, quy hoạch sẽ tập trung vào hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây; vành đai kinh tế ven biển nhằm kết nối hiệu quả cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn.
Quy hoạch sẽ lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá.
Quy hoạch sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế gắn với không gian phát triển mới; phát triển vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia, hình thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cơ quan soạn thảo cần phân tích, đánh giá sâu hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, dân số, tài nguyên… Quy hoạch cũng cần làm rõ đặc điểm năng lực cạnh tranh, thể chế quốc gia và văn hóa truyền thống dân tộc, dân số và xu hướng dịch chuyển dân cư Việt Nam hiện nay.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch bảo đảm khả thi, phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình khi quy hoạch tổng thể quốc gia cần lưu ý đến kết nối khu vực và quốc tế, có sự chọn lọc những tuyến quan trọng để ưu tiên đầu tư phát triển trước.
Bên cạnh hành lang kinh tế Bắc – Nam, việc ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây rất quan trọng. Trong đó, hành lang kinh tế Hải Phòng – Quảng Ninh, nếu quy hoạch không làm tốt thì hàng hóa của ASEAN qua cảng Phòng Thành (Trung Quốc) ra biển quốc tế chứ không về cảng biển của Việt Nam.
“Nếu không chú trọng thiết kế hướng Đông – Tây thì nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là các cảng biển hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí các nước sẽ không sử dụng cảng của ta”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài ra, hành lang Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; hành lang Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng; Mộc Bài – TP HCM – Vũng Tàu đều là những trục tăng trưởng quan trọng. “Đầu tư đồng bộ không thể toàn diện ngay, mà những đoạn, tuyến quan trọng thì ưu tiên nguồn lực phát triển trước”, ông Huệ nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật nghiên cứu mô hình TOD (đô thị gắn với giao thông công cộng); tính toán bổ sung các nguồn lực; phát triển nhân lực cần gắn với phân bổ dân cư.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, điểm mới của quy hoạch là tập trung tạo ra các vùng kinh tế, vùng động lực, cực tăng trưởng và hành lang kinh tế theo hướng “có trọng tâm, trọng điểm”. Quy hoạch cũng hướng phát triển kinh tế biển, kết nối được ra quốc tế. Ông Dũng nói sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế hoàn thiện hồ sơ, dự thảo để đáp ứng yêu cầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ để trình Quốc hội.
Cuối tháng 10, Chính phủ thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội. Tại kỳ họp bất thường thứ 2 (dự kiến khai mạc ngày 5/1/2023), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nội dung này.
Sơn Hà
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/chu-trong-hanh-lang-kinh-te-khi-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-4551094.html