Kinh tế năm sau được dự báo nhiều thách thức
Nhận định trên được đại diện Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ với báo chí ngày 12/12. Cơ quan này cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm nay (dự kiến đạt 8%), nhưng tính chung cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho giai đoạn 2021-2025.
Trong khi đó, từ bên ngoài, do Việt Nam có độ mở lớn, nên trong nước sẽ chịu tác động của kinh tế toàn cầu, vốn đang có nhiều dấu hiệu rõ nét hơn về suy thoái. Theo ghi nhận của Ban Kinh tế Trung ương, xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm sau có thể bị tác động mạnh khi 7 nền kinh tế vốn chiếm khoảng 50,8% kim ngạch xuất khẩu gồm Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh, Hong Kong; và 7 nền kinh tế chiếm gần 42% kim ngạch nhập khẩu gồm Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Australia, Indonesia, được dự báo suy thoái nhẹ.
Về đầu tư, trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất chiếm 93% tổng vốn FDI vào Việt Nam, trừ Trung Quốc và Thái Lan, đều bị dự báo khó khăn trong năm sau.
Trong khi đó về nội tại nền kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng vấn đề lớn nhất của Việt Nam lúc này là niềm tin. Vừa qua, kỳ vọng trên thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán đều sụt giảm mạnh. Các cú sốc sẽ qua và thị trường có thể phục hồi nếu giải quyết được hết các nút thắt. Vấn đề ở đây là phải củng cố được thị trường tiền tệ, duy trì mức lãi suất cạnh tranh cho nền kinh tế…
Trước những thách thức này, Ban Kinh tế Trung ương đã đặt ra 4 vấn đề lớn để thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 17/12. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì diễn đàn này.
Đầu tiên, theo Ban Kinh tế Trung ương là tập trung vào kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới. Đây không phải vấn đề mới, nhưng bắt buộc phải đào sâu trong năm sau. Theo đó, các thảo luận sẽ tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; đẩy nhanh chuyển đổi số; khai thác bền vững nguồn lực đất đai; khơi thông các rào cản cho phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai là phải làm lành mạnh hoá thị trường tài chính, bất động sản. Đơn cử như về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cần giải quyết các vấn đề vướng mắc xung quanh, hoàn thiện các nghị định. Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng cần xem xét cách tiếp cận chung với các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu để vừa đảm bảo thượng tôn pháp luật, vừa giữ được tính thanh khoản thị trường, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền.
Thứ ba là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp. Theo Ban Kinh tế Trung ương, đầu tư công tiếp tục được xem là một động lực cho phát triển nền kinh tế mà nếu đột phá được việc giải ngân, Việt Nam sẽ không chỉ giải quyết được bài toán dài hạn về hạ tầng, nhân lực, công nghệ, mà còn xử lý được vấn đề ngay trước mắt là mất cân đối trong thị trường tiền tệ.
Hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước tính đến hết tháng 11 ước đạt 52,43% kế hoạch, theo số liệu của Bộ Tài chính. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái đạt 63,86%.
Cuối cùng là vấn đề lao động việc làm. Cuối năm nay, tình trạng thất nghiệp, mất việc diễn ra mạnh, tập trung với nhóm lao động trong ngành sản xuất. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 41.000 công nhân trong ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, thuỷ sản, gia công linh kiện điện tử… đã mất việc.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, khác với thị trường hàng hoá, đầu tư, dễ dàng chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác, thị trường lao động sẽ cần rất nhiều thời gian vì kỹ năng của người lao động không thể thay đổi một sớm một chiều. Việc chuyển dịch, hệ quả sau đó, là thiếu lao động cục bộ mà nếu xử lý không tốt sẽ tạo thành tâm lý e ngại với các nhà đầu tư. Do đó, năm 2023 là thời điểm Việt Nam cần giải được bài toán phát triển thị trường lao động bền vững, đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người lao động, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động.
Đức Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/kinh-te-nam-sau-duoc-du-bao-nhieu-thach-thuc-4547308.html