Doanh nghiệp công nghệ tìm hướng nâng cao giá trị toàn cầu
Trở thành sự kiện thường niên từ 2019, cứ dịp cuối năm công đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lại tề tựu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022).
VFTE 2022 diễn ra hôm nay (8/12) quy tụ nhiều lãnh đạo Chính phủ, chuyên gia, người đứng đầu doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Lần thứ 4 tổ chức, với chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, diễn đàn đưa ra nhiều chiến lược trọng tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong nước, cũng như hướng khai phá thị trường nước ngoài.
Bên cạnh các phiên thảo luận, điểm nhấn của VFTE 2022 còn nằm ở hoạt động trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022, cũng như không gian triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam, với nhiều sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới.
Công nghệgiải bài toán Việt
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, năm 2022, công nghệ số tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam khi doanh thu ước đạt 148 tỷ USD. Xuất khẩu công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD.
Tại Việt Nam, kinh tế số đóng góp 10% GDP. Dự đoán đến 2030, quy mô kinh tế số đạt 3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu phân tích 12 nền kinh tế được chọn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, các quốc gia này mới chỉ khai thác thành công 30% tiềm năng của nền kinh tế số vào năm 2021.
Cùng hướng tới mục tiêu chung thúc đẩy kinh tế số, đại diện nhiều doanh nghiệp đã đến cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm, giải pháp và đề xuất nhiều lời giải thiết thực
Là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, VNPT phát triển nhiều giải pháp nhằm tăng tốc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia. Ông Ngô Diên Hy – Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, với Chính phủ số, tập đoàn luôn bám sát chiến lược quốc gia, tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, công chức viên chức, nền tảng về nông nghiệp và phát triển nông thôn… tạo nên một hệ sinh thái chung do VNPT phát triển.
Về kinh tế số, VNPT tập trung vào y tế, giáo dục, nông nghiệp, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát triển dữ liệu nông nghiệp thông minh. Riêng với giáo dục, ông Diên Hy cho biết tập đoàn có hơn 50% thị phần đang được sử dụng trong các trường phổ thông.
Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng số – hạ tầng Cloud – nền tảng thiết yếu của kinh tế số. “Cần xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư vào hạ tầng kinh tế số và xây dựng nền tảng ứng dụng số, cung cấp dịch vụ số đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ số toàn cầu”, đại diện CMC đề xuất.
Nói về cách công nghệ giải bài toán tài chính, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập Ví MoMo chia sẻ về câu chuyện xây dựng ứng dụng từ những nhu cầu thực tế. MoMo tích hợp đa nền tảng, đa dịch vụ trong cùng một ứng dụng, triển khai đa dạng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiểu thương… về quản lý kinh doanh, marketing và chăm sóc khách hàng, khuyến mãi…
Đặc biệt, 90% dịch vụ công đã có thể thanh toán qua ứng dụng MoMo. Với hỗ trợ từ ứng dụng, có tới 33,73% lượng giao dịch thanh toán trực tuyến thành công qua Cổng Dịch vụ Công quốc gia (trong 8 tháng đầu năm 2022).
Doanh nghiệp khai phá thị trường nước ngoài
VFTE 2022 có điểm khác biệt so với các lần trước đây khi kết nối nhiều đầu cầu tại nước ngoài, trong đó FPT có hai 2 đầu cầu từ Singapore và Nhật Bản, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đang hoạt động tại 2 nước này.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT chia sẻ con đường FPT biến ước mơ xuất khẩu phần mềm thành hiện thực, mà Nhật Bản là một trong những thị trường thành công. Để kết nối với các doanh nghiệp tại đây, hầu hết các lãnh đạo FPT phải đi học tiếng Nhật, tạo ra nhiều đột phá trong 17 năm có mặt tại đây. Trước đy, 99% hợp đồng của doanh nghiệp là gia công phần mềm, thì 5 năm gần đây, công ty chuyển dịch sang làm tư vấn, cung cấp các dịch vụ có chuyên môn cao hơn.
Tại châu Âu, FPT đang hợp tác với doanh nghiệp ôtô lớn để tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất hay bắt tay cùng công ty điện lực để triển khai giải pháp quản lý điện gió.
Sau 20 năm, FPT đóng góp nhiều cho Việt nam khi tham gia vào nhiều hệ thống như tài chính, thuế, ngân hàng, kho bạc, hải quan… Doanh nghiệp dùng kinh nghiệm quốc tế để tham gia nhiều dự án như 100 ngày nâng cấp sàn giao dịch Hose, dự án Ehospital kết nối hơn 400 bệnh viện Việt Nam và 10 bệnh viện toàn cầu hay hệ thống vé tàu điện tử, hệ thống quản lý thuế TMS…
Viettel cũng là một trong những đơn vị thành công trong việc đưa sản phẩm Make in Viet Nam ra nước ngoài. Khi làm việc với đối tác, Viettel nhận ra doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc vào việc nhập “nguyên liệu” từ nước ngoài, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng và chưa đảm bảo được vấn đề an toàn thông tin.
Xuất phát từ thực trạng này, đầu năm 2010, Viettel có chiến lược, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng cao, khai thác thế mạnh từ thị trường rộng lớn tại 11 quốc gia. Doanh nghiệp cũng có nguồn nhân lực tốt, ngân sách ổn định cho các dự án nghiên cứu, đầu tư để đưa nhiều sản phẩm Make in Vietnam ra nước ngoài.
Ông Hoàng Tuấn Hải – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holding chia sẻ về hành trình doanh nghiệp mở rộng quy mô, khai phá thị trường nước ngoài với tập khách hàng ở 30 vùng, lãnh thổ.
Theo ông, 10 năm trước, khi thành lập, công ty đã định vị là công ty toàn cầu, phát triển thị trường ngách là các công ty startup và đánh thẳng vào thị trường Mỹ. Qua 10 năm trải nghiệm thị trường nước ngoài, doanh nghiệp rút ra điểm làm nên chiến thắng của VMO, đầu tiên là luôn ưu tiên thông điệp “Tại sao là Việt Nam?”. Điểm quan trọng nữa là vị thế và niềm tin của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định”, ông nói.
Có mặt tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, doanh nghiệp công nghệ là một trong các lực lượng quyết định Việt Nam có đi nhanh được không. Điều mừng nhất là kinh tế số còn nhiều dư địa, nhưng không được quá mơ mộng, cần có hành động thật”, ông nói.
“Doanh nghiệp Việt cần thiết lập đội quân có người dẫn dắt, đoàn kết thành sức mạnh của một nước đông, mạnh dạn hơn, bước ra nước ngoài với tinh thần tự tin”.
“Thị trường trong nước vẫn còn mênh mông, thị trường nước ngoài càng vô tận. Chúng ta cần làm cùng nhau, đặt ra bài toán thật cụ thể, làm đến cùng, làm xong thì đừng để người dùng bận tâm và nghi ngờ. Ngành công nghệ thông tin phải được giao sứ mệnh mở đường trong thời đại mới”, Phó thủ tướng nhắn nhủ.
Điểm nhấn của Diễn đàn là lễ trao giải thưởng Make in Viet Nam. Theo đó, năm nay 40 doanh nghiệp được vinh danh, trong đó bốn giải vàng ở bốn hạng mục gồm:
Sản phẩm số tiềm năng: Giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng hải sản – Công ty Cổ phần Rynan Technologics Vietnam.
Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số: Nền tảng quản lý tiêm chủng Vaccine phòng Covid-19 quốc gia – Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.
Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số:Nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud – Công ty FPT Smart Cloud.
Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số: Nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov – Công ty CP MISA.
Xem diễn biến chính
Nguồn tin: Báo Vnexpress