Nông dân Thái lo sầu riêng Việt lấn át tại thị trường Trung Quốc
Busaba Nakpipat – một nông dân trồng sầu riêng hơn 30 năm tại Thái Lan – ngày càng lo ngại về sự cạnh tranh giữa nông sản xứ chùa vàng với hàng Việt Nam. Nỗi lo này của bà hiện rõ sau khi chuyến sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc hồi cuối tuần trước.
“Trước đây, Thái Lan là nước duy nhất được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, còn Việt Nam chỉ xuất hàng đã qua chế biến. Nhưng nay, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi và điều đó làm tôi lo lắng”, bà nói. Theo bà, Việt Nam nằm gần Trung Quốc hơn, có sự kiểm soát chất lượng tốt hơn nên sầu riêng Thái có thể bị tụt lại phía sau.
Busaba đã đến thăm Việt Nam vào tháng 9 và tận mắt thấy nhiều vườn sầu riêng đang mở rộng với tốc độ vượt xa sự hình dung của bà. “Việt Nam không trồng nhiều sầu riêng như Thái Lan nhưng nơi đây có rất nhiều cơ hội để phát triển. Trong khi đó, ở Thái, mọi người đang cạnh tranh với nhau”, bà nêu quan điểm.
Thái Lan là nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới. Tại thị trường Trung Quốc, trái cây nước này gần như không có đối thủ kể từ đầu những năm 2000 đến nay. Danh tiếng của Thái Lan – nơi trồng sầu riêng chất lượng hàng đầu thế giới – đã giúp nước này trở thành quốc gia đầu tiên xuất khẩu loại trái cây này sang Trung Quốc.
Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng của Thái sang Trung Quốc tăng kỷ lục 68%, với hơn 875.000 tấn. Trung bình mỗi người thuộc quốc gia tỷ dân sẽ ăn hơn 0,6 kg sầu riêng Thái Lan trong một năm.
Từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay, hơn nửa triệu tấn sầu riêng Thái đã được chuyển đến thị trường Trung Quốc với giá cạnh tranh. Các lô hàng tăng lên cho thấy hành vi tiêu dùng tích cực của người Trung Quốc đối với sầu riêng Thái Lan. Tuy nhiên, bà Busaba cho rằng quy định kiểm dịch nghiêm ngặt đang làm ảnh hưởng đến chất lượng của sầu riêng.
Hiện Việt Nam và các nước xuất khẩu sầu riêng Đông Nam Á khác cũng đã tiếp cận được thị trường Trung Quốc. Aat Pisanwanich – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế của Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC), cho biết Việt Nam đang nhanh chóng phát triển thành một đối tác thương mại trái cây lớn của Trung Quốc nhờ vào mạng lưới logistic và vị trí địa lý gần.
Trong quý III, kim ngạch ngoại thương của Sùng Tả – một thành phố của Quảng Tây (Trung Quốc) có đường biên giới với Việt Nam và là đô thị lớn nhất về xuất nhập khẩu trái cây vùng biên giới nước này – đã tăng lên 78 tỷ nhân dân tệ (11 tỷ USD), tương đương mức tăng hàng năm gần 50%, theo một báo cáo của Tân Hoa Xã.
Sakda Sinives, chuyên gia nông nghiệp và học thuật Thái Lan, cho biết nông dân Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan vì các chuyến hàng của Việt Nam đến Trung Quốc mất ít thời gian hơn.
“Khi không có sự khác biệt rõ ràng về hương vị, sầu riêng chín cây từ Việt Nam sẽ dần được người mua định giá cao hơn, trong khi giá sầu riêng từ Thái Lan sẽ giảm”, Sakda nói và cho biết thêm, vấn đề kiểm soát chất lượng này là lý do tại sao sản lượng sầu riêng của Thái Lan có xu hướng giảm.
Các vấn đề cạnh tranh trong nước và khu vực cũng như việc kiểm soát chất lượng và chi phí từ lâu đã bị gạt sang một bên khi trái cây Thái Lan thống trị thị trường Trung Quốc. Nhưng nay sầu riêng Việt Nam gia nhập thị trường 1,4 tỷ dân đã khiến nông dân Thái gặp khó.
Ông Wootichai Kunjet, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan, cho biết mùa thu hoạch sầu riêng của Việt Nam là từ tháng 6 đến tháng 11, trùng với miền Nam Thái Lan. Theo đó, hiện việc sản xuất từ khu vực phía Nam không chỉ đối mặt sự cạnh tranh từ các vùng khác của Thái mà còn có cả Việt Nam”, ông phân tích.
Trong khi đó, chuyên gia Aat Pisanwanich nhìn nhận, Việt Nam hiện vẫn chưa thể cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan về xuất khẩu sầu riêng vì chỉ sản xuất được một nửa tổng sản lượng 1,2 triệu tấn của Thái Lan vào năm 2021. Nhưng Việt Nam có thể đầu tư vùng trồng ở Lào và Campuchia vì cả hai nước đều có đặc quyền thương mại với Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn trong tương lai.
Học giả Thái Lan Sakda Sinives cho biết nhiều thương lái hoạt động ở Thái Lan đã chuyển đến Việt Nam vì tỷ suất lợi nhuận cao hơn do thời gian vận chuyển ngắn, mặc dù nguồn cung được phê duyệt xuất khẩu từ Trung Quốc đang ít hơn.
Năm 2021, sầu riêng Việt Nam có giá 70 baht một kg (khoảng 1,95 USD, tương đương 46.800 đồng), chỉ bằng một nửa so với sầu riêng Thái Lan. Năm nay, theo trung tâm nghiên cứu Krungthai Compass có trụ sở tại Thái Lan, khoảng cách về giá đã được thu hẹp. Theo ông Aat, điều này có thể khiến sầu riêng Thái Lan giảm giá khi cạnh tranh ngày càng căng thẳng hơn.
Tại thị trường trong nước, giá sầu riêng của Việt Nam thu mua ở vườn hiện dao động 80.000 đồng một kg, tăng gần 30% so với cách đây ba tháng và tăng khoảng 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Một số loại đạt chuẩn xuất khẩu có giá 100.000 đồng một kg. Động lực tăng giá phần lớn đến từ việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được khai thông. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 84,4 triệu USD, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 2,9 triệu USD, tăng hơn gấp đôi.
Bất chấp những thách thức, Sakda khuyên Thái Lan nên bắt đầu bán cho Trung Quốc nhiều sầu riêng tươi hơn vì loại này thường có giá cao. “Thái Lan có thể mở rộng thị trường toàn cầu cho xuất khẩu sầu riêng mặc dù không ai bên ngoài châu Á thực sự thích ăn loại trái cây này. Chúng ta nên tìm cách giảm mùi nồng nặc của chúng, một cách nghiêm túc và khoa học”, ông gợi ý.
Tiểu Gu (theo SCMP)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/nong-dan-thai-lo-sau-rieng-viet-lan-at-tai-thi-truong-trung-quoc-4538629.html