Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

Chủ tịch nước: APEC cần vượt qua sự khác biệt để thúc đẩy tăng trưởng

Chủ tịch nước: APEC cần vượt qua sự khác biệt để thúc đẩy tăng trưởng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các thành viên APEC vượt qua sự khác biệt, liên kết kinh tế và đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm, bền vững.

Sáng 18/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo và trưởng đoàn 21 nền kinh tế tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2022 tại Bangkok, Thái Lan. Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo APEC sau ba năm gián đoạn bởi dịch Covid-19.

Đánh giá về tình hình và tương lai của APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc, mang tính lịch sử với nhiều yếu tố bất định và khó lường. Diễn đàn APEC cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Vì vậy, ông cho rằng những gì các thành viên thống nhất trong nhận thức và hành động hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng.

Chủ tịch nước nhìn nhận, một châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và phát triển bền vững là mục tiêu, trách nhiệm chung, đòi hỏi sự chung tay, kề vai sát cánh của tất cả nền kinh tế APEC, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển.

Ông kêu gọi các thành viên APEC vượt qua khác biệt, tăng cường đối thoại, phối hợp hành động vì lợi ích chung của cộng đồng. Việc này nhằm bảo vệ những thành quả và giá trị của APEC trong ba thập kỷ qua, đồng thời củng cố nền tảng cho hợp tác và phát triển trong tương lai.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại phiên thảo luận “Tăng trưởng bền vững, bao trùm và cân bằng”, Chủ tịch nước nhận định châu Á – Thái Bình Dương bước sang giai đoạn phát triển mới, APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công.

Một số điểm cân bằng trong hợp tác, theo ông, trước tiên cần coi người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế, giữa các thành phần xã hội và cân bằng về lợi ích, trách nhiệm giữa các nền kinh tế, khu vực. “Mục tiêu là chung, nhưng các biện pháp cụ thể phải được điều chỉnh phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển của mỗi nơi”, ông nói.

Kế đến, các quốc gia cũng cần cân bằng giữa bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập, liên kết để vừa phát huy nội lực, lợi thế so sánh, vừa tăng thêm nguồn lực tạo ra sự phát triển lan toả giữa các vùng miền.

Ông cũng nhắc tới cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định. “Quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải được thực hiện đạt hiệu quả cao về kinh tế, nhưng giảm thiểu tác động, xáo trộn đến an sinh xã hội, giữ vững an ninh năng lượng, lương thực và an ninh mạng”, Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước cũng chia sẻ chủ trương của Việt Nam về chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với người dân là trung tâm, chủ thể và mục tiêu cao nhất của phát triển. Ông cho biết Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện COP26 và mong nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và các thành viên APEC.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự phiên thảo luận về Tăng trưởng, bền vững và bao trùm và cân bằng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2022, sáng 18/11, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự phiên thảo luận về “Tăng trưởng, bền vững và bao trùm và cân bằng” trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2022, sáng 18/11, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Tại phiên khai mạc, ba ưu tiên chính của hợp tác APEC được các nhà lãnh đạo thảo luận, gồm cởi mở với tất cả cơ hội, kết nối trên mọi khía cạnh và cân bằng ở các phương diện. Những định hướng này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững môi trường.

Theo đó, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết hiện thực hóa Tầm nhìn APEC Putrajaya về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Họ cũng nhất trí củng cố vai trò lãnh đạo của APEC và vị thế là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực; vườn ươm ý tưởng hiện đại và hiệu quả.

Các lãnh đạo cùng quan điểm, hợp tác APEC cần mang lại những giải pháp thiết thực với các thách thức chung và bổ trợ cho các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thái Lan thăm chính thức nước này và dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, từ 16 đến 19/11.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 đang diễn ra tại Thái Lan. APEC được thành lập năm 1989, là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam làm thành viên APEC năm 1998, từng hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006 và 2017.

Thái Lan đề xuất chủ đề của năm APEC 2022 là “Rộng mở – Kết nối – Cân bằng”. Nội dung hợp tác APEC tập trung vào ba ưu tiên gồm thương mại và đầu tư mở với tất cả cơ hội, khôi phục kết nối trên mọi phương diện và thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững, bao trùm trên mọi khía cạnh.

Hoài Thu

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/chu-tich-nuoc-apec-can-vuot-qua-su-khac-biet-de-thuc-day-tang-truong-4537642.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện