4 doanh nghiệp nguy cơ mất trắng lô hàng hơn nửa triệu USD khi xuất vào UAE
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA) ngày 24/7 cho biết bốn công ty thuộc hiệp hội xuất 5 container hàng gồm 2 container hồ tiêu, một quế, một hoa hồi và một điều, tổng giá trị 516.761 USD (hơn 12 tỷ đồng) đến cảng Jebel Ali Dubai – UAE.
Trong đó, bên mua là Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT) và ngân hàng thu hộ là Ajman Bank PJSC. Điều khoản thanh toán lô hàng theo hình thức nhờ thu D/P (nhờ thu trả tiền trao chứng từ).
Theo VPA, đến nay 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng nhưng chưa thanh toán (gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều, tổng trị giá khoảng 400.000 USD). Khả năng lô hàng còn lại là hoa hồi trị giá 126.300 USD, dự kiến cập cảng ngày 26/7, cũng nguy cơ bị mất do bộ chứng từ gốc đã thất lạc.
Trong thời gian hàng tới cảng, các ngân hàng Việt Nam dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới Ngân hàng Ajman và nhân viên nhà băng này đã ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên, không rõ lý do các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng nên các nhà băng Việt đã liên tục yêu cầu phía bạn thanh toán.
Dù nhắc nhở nhiều lần, bên mua hiện vẫn trì hoãn nên công ty Việt Nam đã kiểm tra hệ thống hãng tàu phát hiện 4 container xuất khẩu đã biến mất khỏi cảng. Trong khi đó, ngân hàng bạn vẫn không trả lại bộ chứng từ gốc và chưa có trả lời thỏa đáng.
Trước sự việc trên, VPA và Vinacas đã báo cơ quan chức trách của Việt Nam, Đại sứ quán UAE tại Việt Nam đề nghị phối hợp, hỗ trợ giúp doanh nghiệp thu hồi tiền hàng cũng như xử lý các đơn vị liên quan.
Hôm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đã đề nghị các cơ quan liên quan hợp tác vì tính chất vụ việc nghiêm trọng.
Thương vụ cũng làm việc với chi nhánh ngân hàng có liên quan – ngân hàng Ajman BankPJSC – tại Dubai, hãng tàu, cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali, cảnh sát Dubai để yêu cầu mở hồ sơ điều tra vụ án lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Á – châu Phi khuyến cáo tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất.
Với hình thức trả sau, bên mua nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Cùng với đó là hình thức phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản, còn bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba.
Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Cụ thể, các phương thức thanh toán như mở thư tín dụng do ngân hàng lập ra theo yêu cầu của đối tác (LC) hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền. Ngoài ra, phương thức thanh toán DP (nhờ thu kèm chứng từ) có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc.
Bộ này cũng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải bảo đảm an toàn, tránh trường hợp xảy ra như các vụ việc nêu trên do khâu giao và nhận chứng từ (nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận. Theo đó, dẫn đến việc những người này giao chứng từ cho bên mua để đi nhận hàng mà bên mua không thanh toán tiền với ngân hàng để trả cho ngân hàng bên bán.
Thi Hà – Anh Minh
Nguồn tin: Báo Vnexpress