Cách Trung Quốc thống trị nguồn cung nickel làm pin xe điện
Trên khắp Indonesia, các nhà máy mới gần đây liên tiếp được mở ra để sản xuất nickel dùng trong pin xe điện. 5 năm trước, ở đây còn chưa có nhà máy nào.
Quốc đảo này hiện có trữ lượng nickel thuộc top lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nickel tại Indonesia lại nằm trong quặng laterite, được coi là rất khó xử lý để dùng trong xe điện. Vì thế, vài thập kỷ qua, nickel khai thác tại Indonesia chỉ được dùng để sản xuất thép không gỉ.
Giới phân tích cho biết các công ty Trung Quốc đã tạo ra sự đột phá. Họ chỉnh sửa một quy trình tinh luyện từng rất cồng kềnh, giúp khai phá trữ lượng khổng lồ tại Indonesia để cung cấp cho ngành công nghiệp xe điện vốn đang rất cần nickel.
Công nghệ được họ sử dụng là HPAL – tách chiết sử dụng axit áp suất cao. Công nghệ này đã có hàng thập kỷ trước, nhưng được cho là cồng kềnh và rắc rối. HPAL cần nhiệt độ cao, áp suất cao, khiến thiết bị dễ bị hỏng và phải sửa thường xuyên. Các dự án trước đó ở Australia, New Caledonia và nhiều nơi khác từng bị chậm tiến độ và vượt dự toán vì công nghệ này.
Một nhà máy do doanh nghiệp Trung Quốc điều hành ở Papua New Guinea ban đầu cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, China ENFI Engineering – công ty thiết kế nhà máy – đã thực hiện nhiều sửa đổi và lần lượt khắc phục các vấn đề. Việc này giúp ổn định nhà máy và tạo ra quy trình mới để vận hành mà không khiến thiết bị hỏng hóc lớn, các nhà phân tích trong ngành khai mỏ nhận định.
Các công ty Trung Quốc khác cũng bắt chước mô hình này, một phần nhờ đưa nhân viên kỹ thuật nhiều kinh nghiệm từ Papua New Guinea sang Indonesia. “Vấn đề nằm ở khả năng chuyển giao kỹ năng và kiến thức của họ”, Martin Vydra – Giám đốc chiến lược của Nickel 28 – công ty sở hữu cổ phần trong nhà máy ở Papua New Guinea nói trên cho biết trên WSJ.
Một trong các doanh nghiệp hưởng lợi là Lygend Resources & Technology (Trung Quốc). Năm 2018, công ty này hợp tác với hãng khai mỏ Harita Group (Indonesia) để xây nhà máy HPAL đầu tiên tại đây chuyên cung ứng nguyên vật liệu cho xe điện. Họ đã hợp tác với ENFI.
Trên website hồi tháng 4, ENFI cho biết thành công về công nghệ HPAL của họ đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp Trung Quốc khác. “Với các cải tiến này, việc xử lý các quặng laterite chất lượng thấp trên quy mô lớn đã trở nên khả thi. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng được tiếp cận nguồn tài nguyên tốt hơn”, ENFI cho biết.
Điều này đang giúp Trung Quốc có lợi thế trong cuộc đua toàn cầu nhằm thống trị các khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây cũng là đòn giáng vào nỗ lực của Mỹ trong việc giúp các công ty nước này giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng. Tuy nhiên, với nickel, các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng siết kiểm soát.
Vài năm qua, các công ty Trung Quốc đã mở ít nhất 3 nhà máy xử lý tập trung cung cấp nguyên vật liệu cho xe điện tại Indonesia. Nhiều nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng.
Một nhà máy thu hút sự đầu tư của Ford Motor đầu năm nay. Một cơ sở khác thì do đại gia thép Posco (Hàn Quốc) xây dựng. Cả hai đều có sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc.
HPAL rất đắt đỏ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tăng đặt cược vào công nghệ này. Họ tin rằng giá nickel sẽ vẫn ở mức cao. Và khi giá quặng vẫn rẻ như hiện tại, HPAL khả thi về mặt thương mại.
Tính đến giữa tháng 12/2022, các công ty Trung Quốc đã rót 3,2 tỷ USD vào hai đảo Sulawesi và Halmahera của Indonesia để khai thác nickel. Tổng cộng 10 năm qua, họ đã đổ vào đây 14,2 tỷ USD – đủ đảm bảo nguồn cung nickel cho thập kỷ tới. BloombergNEF dự báo các công ty Trung Quốc sẽ thống trị chuỗi cung ứng này trong ít nhất 5 năm nữa.
Theo hãng nghiên cứu CRU (Anh), năm 2017, Indonesia chỉ là một nhà cung cấp nhỏ về nickel cho pin xe điện. Nhưng hiện tại, họ là nước cung cấp hàng đầu. Số liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cũng cho thấy năm 2021, Indonesia chiếm 22% dự trữ nickel và cung cấp 37% nickel cho thế giới. Dự trữ của Trung Quốc chỉ vào khoảng gần 5%.
Với các hãng xe châu Âu, nickel từ Indonesia giúp họ có nguồn cung ổn định cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường địa chính trị biến động, nguồn cung này cũng có mặt trái.
Theo Đạo luật Giảm lạm phát được Mỹ thông qua năm ngoái, xe điện sẽ được trợ giá nếu đáp ứng yêu cầu về xuất xứ. Điều này đồng nghĩa nickel được khai thác ở đâu và bởi ai cũng là vấn đề.
Để được trợ giá, pin xe điện cần sử dụng lượng lớn khoáng sản từ Mỹ hoặc quốc gia Mỹ có ký hiệp định thương mại tự do. Indonesia không đáp ứng yêu cầu này. Sự tham gia sâu của các công ty Trung Quốc vào hoạt động khai thác nickel tại Indonesia cũng sẽ khiến vấn về thêm phức tạp.
Tuy nhiên, các công ty ngoài Trung Quốc lại đang ngày càng thận trọng trong lĩnh vực này. Suốt một thập kỷ, công ty con tại Indonesia của hãng khai mỏ Vale (Brazil) đã hợp tác với Sumitomo Metal Mining (Nhật Bản) để phát triển một dự án nickel ở đảo Sulawesi. Vale làm nhiệm vụ khai khoáng, còn Sumitomo xử lý quặng tại một nhà máy sử dụng công nghệ HPAL.
Dù vậy, một cựu nhân viên Vale cho biết trên WSJ rằng dự án này gặp nhiều rắc rối, từ việc xả thải đi đâu đến ai chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra. Các lãnh đạo của Vale thì ngày càng bực bội vì tiến độ chậm, trong khi các công ty Trung Quốc liên tục tăng trưởng.
Sumitomo rút khỏi dự án này tháng 4/2022, với lý do Covid-19 khiến việc xin giấy phép bị chậm trễ. Hai ngày sau, Vale ký thỏa thuận hợp tác với Zhejiang Huayou Cobalt (Trung Quốc).
Hồi tháng 3, Ford thông báo đầu tư vào nhà máy này. “Cũng như các hãng xe toàn cầu, chuỗi cung ứng của chúng tôi có sự tham gia của các công nghệ, quy trình và khoáng sản tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới, kể cả Trung Quốc”, người phát ngôn của Ford khẳng định.
Hà Thu(theo WSJ)
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/cach-trung-quoc-thong-tri-nguon-cung-nickel-lam-pin-xe-dien-4625535.html