“Thế giới luôn biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để ứng phó những thách thức mang tính toàn cầu cần phải có cách tiếp cận toàn cầu cùng những giải pháp toàn cầu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (BIS) hôm nay, ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Đây là hoạt động nổi bật thường niên của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (BAC) và cũng là lần đầu tiên BIS được tổ chức trực tiếp đón các đại biểu sau hai năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.
Chủ đề năm nay trùng với chủ đề năm 2022 của ASEAN là “Chung tay vượt qua thách thức”, gồm 4 phiên thảo luận về kinh tế của khối, thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và đầu tư, kinh tế số, ASEAN xanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định ASEAN có thể trở thành cộng đồng kinh tế năng động, sáng tạo với hơn 650 triệu dân một phần là nhờ vào những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp ở mọi quy mô, doanh nghiệp trẻ, tinh thần khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp góp phần ASEAN vượt qua thử thách, trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng và liên kết toàn cầu.
Ông dẫn chứng, cuộc chiến chống đại dịch là minh chứng rõ ràng về hiệu quả của đoàn kết. Khu vực cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Thủ tướng đánh giá giai đoạn hiện nay “mang tính bước ngoặt, thách thức nhiều hơn cơ hội”, song ASEAN cần giữ tinh thần “càng khó khăn, càng kề vai, sát cánh”, tạo động lực cho phục hồi kinh tế khu vực cũng như thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 kiến nghị để ASEAN duy trì thống nhất, đoàn kết và phục hồi nhanh để vượt qua thách thức trong thời gian tới.
Thứ nhất, chính phủ, doanh nghiệp cùng các bên liên quan nội bộ ASEAN cần triển khai hiệu quả Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua, cũng như các sáng kiến tập trung vào 3 định hướng: phục hồi, số hóa, và bền vững.
Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp cần nắm chắc thời cơ từ RCEP, hiệp định thương mại tự do khu vực bao phủ 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Các doanh nghiệp qua đó thúc đẩy mở rộng liên kết thị trường, phát triển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, hài hòa hóa các quy định về xuất xứ, thủ tục thuế quan, hải quan, kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thứ ba, thành viên ASEAN cần triển khai hiệu quả Chiến lược Tổng thể ASEAN về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử. Các nước thúc đẩy nhanh chuyển đổi số và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Thứ tư, BAC cần phát huy vai trò tiên phong hợp tác, thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cũng lưu ý các bên cần tăng cường thúc đẩy nỗ lực chung, hợp tác công – tư. Doanh nghiệp đồng hành chặt chẽ cùng các chính phủ trong khởi xướng, đề xuất sáng kiến để thúc đẩy kinh tế khu vực phục hồi bền vững và có khả năng thích ứng cao.
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp thông qua giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển các chuỗi cung ứng và giảm chi phí giao dịch, xây dựng môi trường – chính sách ổn định, có tính dự báo cao, minh bạch, trách nhiệm và đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số.
Thanh Danh
Nguồn tin: Báo Vnexpress
Link gốc: https://vnexpress.net/5-kien-nghi-de-asean-chung-tay-ung-pho-thach-thuc-4534445.html