Công ty TNHH SX TM Phước Hào

Chứng nhận chất lượng

Màng nhôm

Xem catalogue

Máy ép màng

Xem catalogue

Màng nhôm

Máy ép màng

Dây đai

10 gia đình giàu nhất châu Á

10 gia đình giàu nhất châu Á

Gia đình Ambani (Ấn Độ) lần thứ 4 liên tiếp giàu nhất châu Á, với tổng tài sản hơn 79 tỷ USD.

Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, tài sản của 20 gia đình giàu nhất châu Á năm nay giảm 17,7 tỷ USD so với năm ngoái, xuống 478,1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên số liệu này đi xuống kể từ khi Bloomberg bắt đầu công bố danh sách năm 2019.

Nguyên nhân chủ yếu là tài sản của 5 gia đình Ấn Độ giảm tổng cộng 17,1 tỷ USD. Năm nay, nhà Ambani đứng đầu danh sách lần thứ 4 liên tiếp. Theo sau là nhà Hartono và Kwok.

Dưới đây là 10 gia tộc giàu nhất châu Á năm nay.

1. Ambani

Mukesh Ambani (trái) và Anil Ambani. Ảnh: Reuters

Mukesh Ambani (trái) và Anil Ambani. Ảnh: Reuters

Công ty: Reliance Industries

Trụ sở: Ấn Độ

Thế hệ sở hữu công ty: 3

Tài sản: 79,3 tỷ USD

Dhirubhai Ambani – cha của Mukesh và Anil thành lập công ty tiền thân của Reliance Industries năm 1957. Khi qua đời năm 2002, ông không để lại di chúc. Vì vậy, vợ ông đã phải giải quyết tranh chấp giữa hai người con về quyền kiểm soát tài sản gia đình. Mukesh hiện là người đứng đầu đế chế này. Ông sống trong một căn biệt thự 27 tầng, được mệnh danh là nhà riêng đắt đỏ nhất thế giới. Nhưng trước đó, ông từng sống nhiều tháng trong một container để gây dựng đế chế hóa dầu lớn nhất thế giới như ngày nay.

2. Hartono

Michael Bambang Hartono. Ảnh: Bloomberg

Michael Bambang Hartono. Ảnh: Bloomberg

Công ty: Djarum, Bank Central Asia

Trụ sở: Indonesia

Thế hệ sở hữu công ty: 3

Tài sản: 38,8 tỷ USD

Năm 1950, Oei Wie Gwan mua lại một thương hiệu thuốc lá và đổi tên thành Djarum. Công ty này nhanh chóng phát triển, trở thành một trong những hãng sản xuất thuốc lá lớn nhất Indonesia. Sau khi Oei qua đời năm 1963, hai con trai của ông – Michael Bambang Hartono (Oei Gwie Siong) và Robert Budi Hartono (Oei Hwie Tjhong) đa dạng hóa kinh doanh bằng cách đầu tư vào Bank Central Asia (Indonesia). Số cổ phần này hiện đóng góp phần lớn tài sản cho gia đình.

3. Kwok

Ba anh em nhà Kwok. Ảnh: Reuters

Ba anh em nhà Kwok. Ảnh: Reuters

Công ty: Sun Hung Kai Properties

Trụ sở: Hong Kong (Trung Quốc)

Thế hệ sở hữu công ty: 3

Tài sản: 34,8 tỷ USD

Kwok Tak-seng làm IPO cho Sun Hung Kai Properties năm 1972. Công ty này hiện là một trong những hãng bất động sản lớn nhất Hong Kong, mang lại phần lớn tài sản cho nhà Kwok. Các con trai của ông – Walter, Thomas và Raymond tiếp quản đế chế sau khi ông qua đời năm 1990. Walter mất chức chủ tịch năm 2008 sau một cuộc tranh cãi với các anh em. Hiện tại, Raymond đảm nhận vị trí này.

4. Mistry

Gia đình Mistry. Ảnh: India Times

Gia đình Mistry. Ảnh: India Times

Công ty: Shapoorji Pallonji Group

Trụ sở: Ấn Độ

Thế hệ sở hữu công ty: 5

Tài sản: 28,4 tỷ USD

Năm 1865, gia đình Mistry bắt đầu bước chân vào kinh doanh bằng việc thành lập một công ty xây dựng. Đến nay, Shapoorji Pallonji Group còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác. Họ còn có cổ phần trong Tata Sons – công ty mẹ của Tata Group – tập đoàn hiện diện tại hơn 100 quốc gia với hơn 720.000 nhân viên. Tata Group hiện kiểm soát hãng xe Jaguar Land Rover. Năm ngoái, Chủ tịch Shapoorji Pallonji Group Pallonji Mistry qua đời ở tuổi 93. Vài tháng sau, con trai ông – Cyprus cũng thiệt mạng do tai nạn giao thông.

5. Chearavanont

Dhanin Chearavanont. Ảnh: Bloomberg

Dhanin Chearavanont. Ảnh: Bloomberg

Công ty: Charoen Pokphand Group

Trụ sở: Thái Lan

Thế hệ sở hữu công ty: 4

Tài sản: 28,2 tỷ USD

Năm 1921, Chia Ek Chor rời một ngôi làng ở miền nam Trung Quốc để tới Thái Lan. Tại đây, hai anh em ông mở cửa hàng bán hạt giống rau. Hiện tại, nó đã phát triển thành Charoen Pokphand Group – công ty đa ngành kinh doanh trong cả lĩnh vực thực phẩm, bán lẻ và viễn thông, do con trai Chia – Dhanin Chearavanont làm chủ tịch.

6. Yoovidhya

Saravoot Yoovidhya - CEO TCP Group. Ảnh: Bangkok Post

Saravoot Yoovidhya – CEO TCP Group. Ảnh: Bangkok Post

Công ty: TCP Group

Trụ sở: Thái Lan

Thế hệ sở hữu công ty: 2

Tài sản: 27,4 tỷ USD

Chaleo Yoovidhya thành lập hãng dược phẩm T.C. Pharmaceutical năm 1956 và dần mở rộng sang mảng hàng tiêu dùng. Năm 1975, công ty ra mắt nước tăng lực Krating Daeng – tên tiếng Thái của Red Bull.

Trong một chuyến công tác, doanh nhân người Áo – Dietrich Mateschitz biết đến loại nước này. Ông hợp tác với Chaleo để sửa đổi công thức và quảng cáo Red Bull ra toàn cầu. Con trai ông – Saravoot Yoovidhya hiện là CEO TCP Group. Tài sản của cả hai gia đình Yoovidhya and Mateschitz đều gắn liền với thành công của loại nước uống này.

7. Cheng

Henry Cheng - Chủ tịch New World Development. Ảnh: Mingtiandi

Henry Cheng – Chủ tịch New World Development. Ảnh: Mingtiandi

Công ty: New World Development, Chow Tai Fook

Trụ sở: Hong Kong (Trung Quốc)

Thế hệ sở hữu công ty: 4

Tài sản: 25,9 tỷ USD

Gia đình Cheng hiện kiểm soát Chow Tai Fook – đế chế trang sức thành lập năm 1929. Họ cũng sở hữu công ty bất động sản New World Development – một trong các hãng địa ốc lớn nhất Hong Kong.

8. Pao/Woo

Pao Yue-kong. Ảnh: Zhejiang University

Pao Yue-kong. Ảnh: Zhejiang University

Công ty: BW Group, Wheelock

Trụ sở: Hong Kong (Trung Quốc)

Thế hệ sở hữu công ty: 3

Tài sản: 22,6 tỷ USD

Pao Yue-kong mở công ty vận tải biển với 20.000 đôla Hong Kong cách đây hơn 60 năm. Đến năm 1979, công ty này đã sở hữu hơn 200 tàu – thuộc top lớn nhất thế giới thời đó. Để thích ứng với điều kiện thị trường, Pao lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, nhờ số tiền từ bán tàu. Khi Pao qua đời năm 1991, các công ty của ông được chia cho 4 người con gái và các thành viên khác trong gia đình. Phần lớn tài sản của nhà Pao hiện tại đến từ Wheelock – hãng bất động sản đã rút niêm yết năm 2020.

9. Tsai

Daniel Tsai - con trai Tsai Wan-tsai - hiện điều hành Fubon Financial. Ảnh: Forbes

Daniel Tsai – con trai Tsai Wan-tsai – hiện điều hành Fubon Financial. Ảnh: Forbes

Công ty: Cathay Financial, Fubon Financial

Trụ sở: Đài Loan (Trung Quốc)

Thế hệ sở hữu công ty: 3

Tài sản: 21,4 tỷ USD

Anh em nhà Tsai thành lập hãng bảo hiểm Cathay Life Insurance năm 1962. Đến năm 1979, gia đình này quyết định tách công ty. Tsai Wan-lin và Tsai Wan-tsai chia nhau nắm quyền kiểm soát Cathay Life Insurance và Cathay Insurance. Cathay Insurance sau đó đổi tên thành Fubon Insurance. Gia đình này hiện kiểm soát 2 công ty tài chính lớn tại Đài Loan và đã lấn sân bất động sản, viễn thông.

10. Lee

Jay Y. Lee - Chủ tịch Samsung Electronics. Ảnh: Bloomberg

Jay Y. Lee – Chủ tịch Samsung Electronics. Ảnh: Bloomberg

Công ty: Samsung

Trụ sở: Hàn Quốc

Thế hệ sở hữu công ty: 3

Tài sản: 18,5 tỷ USD

Lee Byung-chull thành lập Samsung năm 1938, để xuất khẩu rau củ quả và cá. Ông tham gia lĩnh vực công nghệ năm 1969, khi lập ra Samsung Electronics. Công ty này hiện là hãng sản xuất chip nhớ và smartphone lớn nhất thế giới.

Sau khi Lee Byung-chull qua đời năm 1987, con trai thứ 3 của ông – Lee Kun-hee tiếp quản công ty. Lee Kun-hee mất tháng 10/2020 sau nhiều năm nằm viện vì bệnh tim. Jay Y. Lee – con trai ông – kiểm soát Samsung từ đó. Jay Lee từng bị kết án tù 2,5 năm tù trong vụ án hối lộ liên quan đến cựu tổng thống Park Geun-hye và được ra tù trước thời hạn năm 2021. Năm ngoái, ông được Tổng thống Hàn Quốc ân xá.

Hà Thu(theo Bloomberg)

Nguồn tin: Báo Vnexpress

Link gốc: https://vnexpress.net/10-gia-dinh-giau-nhat-chau-a-4582053.html

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tính năng đang được hoàn thiện